(HNMO) - Những ngày qua, các “cây ATM” từ thiện hỗ trợ người gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 đã trở thành một hình ảnh thật đẹp, thật lay động lòng người về tinh thần tương thân, tương ái, “máu đỏ da vàng” của người dân Việt Nam.
Từ một cây ATM ban đầu chảy ra những dòng gạo trắng ngần, đến nay, đã có cả ATM mì tôm, dầu ăn, trứng gà, xúc xích... cùng rất nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm khác để bữa ăn của mỗi người gặp khó được cải thiện, thêm dưỡng chất mỗi ngày, để cuộc sống của họ thêm ấm áp vì được sẻ chia.
Và càng trong khó khăn, thử thách, thì lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng tỏa sáng, phát huy mạnh mẽ, thể hiện qua việc thực hiện nghiêm yêu cầu của Chính phủ và thành phố về phòng, chống dịch. Mỗi người dân đều đã và đang góp sức cùng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tô đẹp hình ảnh một Việt Nam kiên cường, giàu nhân ái trong lúc gian nguy. Tình cảm ấy được thể hiện qua các hoạt động ủng hộ tiền, hàng cho công cuộc phòng, chống dịch và chung tay cùng cả hệ thống chính trị để chăm lo đời sống cho những người còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
Những ngày qua, khi rất nhiều hoạt động từ thiện, nhiều trường hợp khó khăn được báo chí và mạng xã hội thông tin, chúng ta đã huy động ngày càng hiệu quả hơn sự góp sức của toàn xã hội vào một nhiệm vụ vô cùng lớn lao và nhân văn giữa lúc cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Thật tự hào và xúc động khi được thấy triệu triệu trái tim hồng cùng chung nhịp sẻ chia. Tình người được nuôi dưỡng, nhân lên qua từng hành động nhỏ bé, thiết thực, qua những món quà mà vật chất chưa nhiều, nhưng nghĩa tình rất nặng.
Nhưng cũng từ những dòng thông tin đó, đang xuất hiện sự dẫn lối có phần một chiều, sai lệch.
Trong số các bình luận dưới những bài báo phản ánh về số phận “rơi nước mắt” sau các cây ATM gạo, sau những ngõ nhỏ chật hẹp trong khu phố cổ của Hà Nội, có rất nhiều người quan tâm hỏi địa chỉ của những hoàn cảnh đó để mong giúp đỡ. Nhưng có một băn khoăn của bạn đọc về vai trò của chính quyền và đặt câu hỏi chẳng nhẽ những trường hợp khổ đến vậy không được giúp đỡ, chăm lo.
Cũng chẳng thể trách bạn đọc nào đó đã đặt câu hỏi khi chưa tiếp nhận đủ thông tin. Bởi rõ ràng chưa phải tất cả người cầm bút đã làm tròn vai của mình, khi trên mặt báo, qua mỗi dòng tin, chúng ta chưa bảo đảm truyền tải được đầy đủ thông tin đến bạn đọc, để mỗi người dân có được cái nhìn toàn cảnh, trung thực về công tác hỗ trợ bảo đảm an sinh cho người dân trong dịch bệnh mà cả hệ thống chính trị các cấp, từ trung ương đến cơ sở, đang nỗ lực thực hiện đêm ngày và đã làm rất tốt.
Tất cả người cầm bút cũng đã làm tròn vai hay chưa, khi vội vã đưa thông tin không chuẩn xác đến cho bạn đọc về những cảnh đời không trung thực, những nhân vật thậm chí được đưa lời chia sẻ mà bản thân họ chưa biết, chưa kể câu chuyện đó…, để rồi nhiều bạn đọc bị chệch hướng trong nhìn nhận, đánh giá sự việc?
Chỉ cần chậm lại một nhịp trong thông tin thôi, có phải chúng ta xác minh được rằng, những hoàn cảnh “rơi nước mắt” cuối cùng lại là những người đã nhận được sự chăm lo từ các cấp chính quyền, hoặc có hoàn cảnh không khốn khó! Thực tế là nếu có hoàn cảnh khó khăn, họ đều đã được chính quyền địa phương đến tận nhà hỗ trợ cả tiền, nhu yếu phẩm nhiều lần trong suốt thời gian vừa qua. Trớ trêu là, trong những hoàn cảnh “rơi nước mắt" đó, có người đang ở nhà cao 3 tầng, dành 1 tầng cho thuê, tiện nghi trong nhà không thiếu…
Như vậy, thông tin đến với bạn đọc sẽ đỡ đau lòng hơn không? Và như vậy có phải chúng ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ cao cả nhất và cũng là nguyên tắc hoạt động hàng đầu của mỗi cơ quan báo chí, mỗi người cầm bút vẫn luôn là phản ánh thông tin trung thực!
Hãy để bạn đọc được tiếp nhận đầy đủ hơn về công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội của cả hệ thống chính trị trong lúc đại dịch này, không chỉ là các hoạt động trên đường phố. Ở từng ngõ, ngách, từng khu phố, thôn làng, chính quyền địa phương, cùng rất nhiều người dân bình thường, những cô, bác về hưu đã và đang giúp lập bảng thông tin, chia từng phần quà, đến thăm hỏi, động viên và trao cho từng nhà, có thể về giá trị vật chất chưa lớn, nhưng đủ sự trân trọng, yêu thương, để ấm lòng người đón nhận. Và còn hàng nghìn những hành động tương thân, tương ái trong thầm lặng, gần gũi nhất chính là từ những người hàng xóm "tối lửa tắt đèn" có nhau, họ là những người rõ về hoàn cảnh của hàng xóm nhà mình hơn bất cứ ai, và trong lúc này, họ cũng đang là những người tích cực thông tin tới chính quyền, tích cực cùng chính quyền lan tỏa yêu thương "lá lành đùm lá rách"...
Bạn đọc chắc chắn cần nhiều thêm những dòng thông tin ấy, những câu chuyện ấy, để thấy sự chung tay, san sẻ không chỉ nằm ở những cây ATM từ thiện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.