Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục diễn biến nghiêm trọng khi những người biểu tình tiếp tục gia tăng các hành động phản đối bất chấp các lời cảnh báo từ phía chính phủ.
Lực lượng "áo đỏ" tuyên bố từ ngày 28/4 mở rộng phạm vi biểu tình ra nhiều khu vực ở Bangkok. (Ảnh: AFP) |
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục diễn biến nghiêm trọng khi những người biểu tình tiếp tục gia tăng các hành động phản đối bất chấp các lời cảnh báo từ phía chính phủ.
Lực lượng biểu tình "áo đỏ" thông báo bắt đầu từ ngày 28/4 mở rộng phạm vi biểu tình ra nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok. Một thủ lĩnh của lực lượng biểu tình, ông Nattawut Saikuar khẳng định những người "áo đỏ" sẽ duy trì hoạt động biểu tình cho đến khi "chính phủ giải tán Quốc hội và trao trả quyền lực cho người dân." Ông này nhấn mạnh người biểu tình "sẽ chiến đấu bằng những phương pháp hòa bình" trong trường hợp cảnh sát và quân đội sử dụng vũ khí để ngăn cản họ.
Tuyên bố trên của phe "áo đỏ" đã làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ tái diễn bạo lực tại thủ đô Bangkok. Trước đó, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cáo buộc người biểu tình "gây rối bằng việc lập các chốt chặn đường, vi phạm quyền của những người dân khác" và tuyên bố sẽ sử dụng biện pháp xử lý mạnh.
Người phát ngôn của Trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp (CRES), Đại tá Sansern Kaewkamnerd ngày 26/4 đã lệnh cho người biểu tình "áo đỏ" rời khỏi các đường phố đang phong tỏa nếu không muốn đối mặt với cuộc trấn áp của quân đội và cảnh sát.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài BBC, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva lần đầu tiên nói tới khả năng từ chức. Trả lời câu hỏi "ông có chấp nhận từ chức nếu như ông tin rằng ông đang cản trở cho sự hồi phục và ổn định của đất nước," ông Abhisit khẳng định ông sẽ chấp nhận điều này nếu việc làm đó của ông giúp giải quyết được tình hình.
Tuy nhiên, ông Abhisit cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thái Lan không thuần túy chỉ là chính trị mà còn liên quan đến vấn đề an ninh, thậm chí cả các các vấn đề "khủng bố". Theo ông, các vấn đề này tái diễn thường xuyên vì vậy "Thái Lan cần nhiều hơn một giải pháp ngắn hạn" để giải quyết dứt điểm tình hình phức tạp này.
Về khả năng áp dụng tình trạng thiết quân luật, ông cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của quân đội chứ không phải chính phủ và theo ông, hiện tại quân đội chưa có kế hoạch cho việc này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.