(HNM) - “Hiện, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 41 “điểm đen” ùn tắc giao thông (UTGT). Vì vậy, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm từng bước xóa bỏ các “điểm đen” tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội trong năm 2017.
Năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển thêm tuyến BRT 02 và các loại hình vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Khánh Huy |
Trong đó, đặc biệt chú trọng mở rộng, hợp lý hóa luồng tuyến, nâng cao hiệu quả mạng lưới vận tải hành khách công cộng và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, lấy xử lý để nâng cao ý thức người tham gia giao thông” - Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.
- Cả hệ thống chính trị của Thủ đô đã vào cuộc nhằm chống ùn tắc, nhưng vẫn phát sinh các “điểm đen” mới. Ông có thể chỉ rõ nguyên nhân?
- Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thời gian qua có bước phát triển mới, thực hiện được các tiêu chí của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của Ngành GT-VT, thể hiện qua việc năm 2016, UTGT từng bước được đẩy lùi và tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Đây là kết quả đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh có tới 20 địa phương gia tăng tai nạn giao thông so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ sự cố gắng lớn của Ngành GT-VT, sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô.
Tuy nhiên, vấn đề UTGT vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong số 44 “điểm đen” ùn tắc của năm 2016, bên cạnh việc xóa bỏ được 20 điểm thì lại phát sinh thêm 17 điểm mới khiến cho UTGT tiếp tục là nhiệm vụ cần phải tập trung giải quyết. Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các “điểm đen” mới. Thứ nhất, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Thứ hai, phương tiện giao thông cá nhân và tốc độ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở một số khu vực đang phát triển đã gây áp lực lớn lên hạ tầng, dẫn đến UTGT cục bộ. Thứ ba, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế khiến cho tình hình ùn tắc thêm phức tạp.
- Chúng ta đã "bắt" được “bệnh”, vậy “thuốc chữa” là gì, thưa ông?
- Năm 2017, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm UTGT. Vừa qua, thành phố đã phát động, tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng chống UTGT và đề xuất phương án tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện của Thủ đô nhằm tìm kiếm những ý tưởng của các nhà tư vấn trong nước và quốc tế, thu nhận những kinh nghiệm tốt để triển khai vào thực tế. Còn với kinh nghiệm của ngành, chúng tôi tập trung vào các nội dung như: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát điều chỉnh bổ sung các biển báo hướng dẫn giao thông; tăng cường công tác tổ chức, hướng dẫn giao thông hợp lý tại từng khu vực, từng tuyến đường...
Sở GT-VT Hà Nội cũng đề xuất với thành phố đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, trong đó nêu ra các giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm kiểm soát được tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân trên từng khu vực, đáp ứng với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện có. Ngoài ra, cần tập trung phát triển và nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trước mắt là hệ thống xe buýt thường bằng việc tối ưu hóa mạng lưới, kết hợp với khai thác hiệu quả tuyến xe buýt nhanh - BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngay khi Bộ GT-VT hoàn thành, bàn giao cho Hà Nội, góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày một tốt hơn, qua đó góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Đây cũng là nội dung quan trọng, bởi việc xử lý nghiêm sẽ tăng sức răn đe, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
- Hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô còn yếu và thiếu, vậy phải làm gì để tạo sức bật cho hệ thống này để khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân?
- Có thể nói, hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô đang ngày càng tốt lên. Năm 2016, vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được 14-15% nhu cầu đi lại của nhân dân, vượt khá nhiều so với các năm trước. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng được mức 20-25%, tức cố gắng mỗi năm tăng được ít nhất 2% nhu cầu đi lại. Để làm được việc này, Sở GT-VT Hà Nội đang cùng các ngành liên quan nghiên cứu, từng bước mở rộng mạng lưới, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến nhằm tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và giảm bớt hỗ trợ từ ngân sách.
Phải điều chỉnh để làm sao ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động để có thêm nhiều người dân ở các vùng xa, vùng ngoại thành, được sử dụng xe buýt. Xe buýt cũng phải tiếp cận được với các khu đô thị, khu công nghiệp. Sau khi đưa vào khai thác tuyến BRT đầu tiên và được người dân đón nhận, ủng hộ, vừa qua Sở đã cùng với Tổng công ty Vận tải Hà Nội có tờ trình UBND thành phố để làm tuyến BRT số 2 Kim Mã - Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuyến này có nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai. Từ kinh nghiệm của tuyến BRT 01 và 02, thành phố sẽ triển khai các tuyến khác theo như quy hoạch, góp phần tạo thay đổi mạnh mẽ về vận tải công cộng.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.