(HNM) - Theo Quyết định số 1363/ QĐ-TTg ngày 11-10-2019 về Phê duyệt, điều chỉnh bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cả nước phấn đấu hình thành khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2025. Đây là nhiệm vụ không đơn giản đòi hỏi các cơ quan quản lý, các nhà trường cùng nỗ lực để thực hiện.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngày 23-5-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” (Quyết định số 761), với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành 40 trường chất lượng cao. Thực hiện Quyết định này, các ngành, địa phương đã lựa chọn 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để đầu tư trọng điểm; tổ chức đào tạo thí điểm 34 nghề thị trường lao động đang cần theo công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hút hàng nghìn sinh viên theo học.
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2016-2018, thành phố Hà Nội đã đầu tư 95 tỷ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường: Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để trở thành trường nghề chất lượng cao. Năm 2019, thành phố tiếp tục đầu tư 34 tỷ đồng cho các trường được định hướng trở thành trường chất lượng cao. Bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cho biết, việc tổ chức đào tạo các nghề theo mô hình trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đã giúp nhà trường ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu. Những nghề đào tạo theo chương trình chuyển giao từ các nước phát triển như cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô… có số lượng thí sinh đăng ký theo học vượt chỉ tiêu. 100% sinh viên học các nghề chất lượng cao đạt yêu cầu đều có việc làm với mức thu nhập khá, sau thời gian ngắn ra trường.
Dưới góc độ người học, sinh viên Nguyễn Văn Hưng, Khoa Điện (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội), vừa đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 với nghề cơ điện tử cho hay, học sinh, sinh viên học nghề chất lượng cao được nhà trường tạo điều kiện nắm vững kỹ năng thực hành, có khả năng làm việc với thiết bị máy móc hiện đại. Về phía người sử dụng lao động, ông Lê Xuân Thức, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, thị trường lao động đang thiếu những công nhân kỹ thuật cao. Nếu mô hình trường nghề chất lượng cao được phát triển, nhân rộng sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng tuyển sinh tại 45 trường được lựa chọn để hỗ trợ đầu tư theo tiêu chí trường chất lượng cao tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm. Đến nay, các trường này tuyển sinh được khoảng 200.000 người/năm.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng trường nghề chất lượng cao cũng còn một số hạn chế. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, mục tiêu có 35 trường đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2019 đến nay chưa hoàn thành vì nhiều lý do. Những tiêu chuẩn như: Tỷ lệ người học tốt nghiệp hệ trung cấp đạt bậc 2/5, hệ cao đẳng đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tỷ lệ học sinh, sinh viên và nhà giáo đạt trình độ tiếng Anh theo chuẩn TOEIC, tin học, theo chuẩn IC3... để đánh giá tiêu chí của trường nghề chất lượng cao rất khó xác định...
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Với nguồn kinh phí đầu tư chủ yếu từ ngân sách, quá trình phát triển trường nghề chất lượng cao vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi đó, đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025 đề ra mục tiêu cao hơn, mở rộng đến các trường ngoài công lập nên rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng bắt buộc doanh nghiệp đồng hành với nhà trường trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, nhất là các trường đào tạo theo mô hình chất lượng cao. Nếu tiếp nhận lao động đã qua đào tạo, thì doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí cho quỹ đào tạo và nguồn kinh phí này sẽ phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động. Cùng với đó, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cụ thể hơn cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị, các cơ quan hữu quan cần bổ sung thêm kinh phí, đồng thời có chính sách thu hút giáo viên giỏi vào các trường nghề chất lượng cao; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn…
Về vấn đề này, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Ngoài ra, các chuyên gia đang nghiên cứu để đưa ra tiêu chí rõ ràng, cụ thể về trường cao đẳng chất lượng cao để làm căn cứ cho các trường thực hiện. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo tiêu chí chất lượng cao.
Nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn đầu tư trở thành trường cao đẳng chất lượng cao không chỉ là kinh phí từ ngân sách, mà cần có sự tự chủ, sáng tạo của các nhà trường, sự đồng hành, phối hợp của doanh nghiệp… Hy vọng, các bên liên quan sẽ cùng nỗ lực thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.