(HNMO) - Chiều 8-5, tại huyện Quốc Oai, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Cùng dự còn có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của trung ương và thành phố Hà Nội.
13/13 xã dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Hà Nội hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức), có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố. Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực.
Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt gần 11%; thu nhập bình quân đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Hiện 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.
Tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của thành phố được duy trì ổn định. Đại bộ phận nhân dân phấn khởi tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn thành phố. Vì vậy, cần nhu cầu đầu tư lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân vùng ngoại thành. Đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.
Tích cực chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao việc Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao, cụ thể, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.
Trong đó, UBND thành phố đã ban hành 4 kế hoạch để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhờ vậy, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào từng bước được đầu tư đồng bộ. Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững.
Nhất trí với các nhóm kiến nghị, giải pháp của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, hệ thống chính trị của thành phố nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Trong đó, chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan làm công tác dân tộc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn để đời sống đồng bào ngày càng tốt hơn, đồng thời, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của trung ương, thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách riêng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Trong 15 năm qua, thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chỉ đạo của trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư thực hiện chương trình là hơn 2.144,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 1.647,7 tỷ đồng (cho 121 dự án); vốn sự nghiệp hơn 496,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các chương trình lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, các quận, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô, cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 13 tập thể; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 11 cá nhân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho 6 tập thể; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong 15 năm qua trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 55 cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.