Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển tín dụng nông thôn: Xóa tín dụng “đen”

Đức Anh| 13/03/2010 07:29

(HNM) - Mặc dù hệ thống ngân hàng (NH) đã về các vùng quê, nhưng không phải người dân nào cũng hiểu về tín dụng NH. Thêm vào đó, những điều khoản chặt chẽ của NH trong việc cho vay vốn cũng khiến nhiều người khó tiếp cận, nhất là nông dân. Thực trạng này đẩy nhiều nông dân nói chung và những người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng vào cảnh phải vay vốn từ tín dụng "đen"….

Được biết, hiện có gần 80% nông dân tại ĐBSCL không có đất, nên hầu hết phải thuê đất để sản xuất và vốn đầu tư cho cây trồng, vật nuôi chủ yếu vay từ tín dụng "đen". Do lãi suất của loại hình vay vốn này cao, đẩy nhiều người vào tình trạng trắng tay khi đến vụ thu hoạch, thậm chí có người phải bán "lúa non" để trả nợ, khiến tình trạng nợ nần ngày càng chồng chất… Không chỉ có người dân ở ĐBSCL, nông dân ở nhiều vùng nông thôn khác cũng rơi vào cảnh vừa gặt xong là phải trả nợ hết cho vụ gặt trước. Vì vậy, nhu cầu vay vốn để sản xuất của người dân rất lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang phải lo đối phó với thiên tai và dịch bệnh… Theo các ngành chức năng, năm 2010, nước ta dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Hiện nay, có một thực tế là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo gặp khó khăn về nguồn vốn. Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo về việc đáp ứng vốn cho các DN thu mua gạo, nhưng khi "đầu ra" còn nhiều khó khăn, các NH vẫn do dự khi cho vay...

Đại diện nhiều NH cũng thừa nhận, nguồn vốn cho khu vực nông thôn còn gặp khó khăn, bởi hầu hết người dân ở nông thôn không có tài sản thế chấp để vay vốn, gây rủi ro cho NH. Hơn nữa, mạng lưới của các NH (ngoại trừ NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank) chưa phủ rộng đến các vùng, miền trên cả nước, nên nông dân cũng không dễ tiếp cận. Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, nguồn vốn huy động tại chỗ ở ĐBSCL chỉ đạt 115.000 tỷ đồng (tương đương 6% tổng vốn huy động toàn hệ thống NH trên cả nước). Trong khi đó, dư nợ cho vay của vùng ĐBSCL lên tới 174.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa kể đến các nhu cầu chưa được ngân hàng đáp ứng, nông dân phải đi vay từ nguồn tín dụng phi chính thống khác. Để tháo gỡ cho các tổ chức tín dụng tham gia vốn hỗ trợ nhà nông, NHNN vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về chính sách tín dụng NH phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản lên đến 50 triệu đồng với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm; cho vay tối đa đến 200 triệu đồng với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; cho vay đến 500 triệu đồng với các chủ trang trại, hợp tác xã.

Các chuyên gia đánh giá, cơ chế cho vay này đã mở ra nhiều lĩnh vực, thông thoáng hơn cơ chế cũ, giúp giải tỏa áp lực về vốn với cả người nông dân và doanh nghiệp. Và một tin vui đến với người dân ĐBSCL trong thời điểm này là cùng với Agribank, NHTMCP Liên Việt (LienVietBank) đã tiên phong trong việc kéo lãi suất vùng nông thôn xuống thấp. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank cho biết, NH sẽ ưu tiên cho các đối tượng là hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân cung ứng dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp… Trong giai đoạn 2010-2013, tổng số tiền mà NH giải ngân cho lĩnh vực nông thôn là 3.000-5.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2010, NH đã có đề án báo cáo NHNN với tổng số vốn cho vay là 1.200 tỷ đồng, triển khai thí điểm tại Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ. Những lĩnh vực mà NH cho vay phục vụ chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng kho tàng, sân phơi; phát triển cơ sở công nghiệp, ngành nghề truyền thống; mua phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm… LienVietBank sẽ cùng Agribank kéo lãi suất cho vay đối với nông dân xuống, tránh tình trạng vay nặng lãi như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tín dụng nông thôn: Xóa tín dụng “đen”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.