Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 3 nội dung quan trọng (2 nội dung còn lại là xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) của thành phố Hà Nội đang được tập trung triển khai thực hiện.
Đây là một bước quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên quan điểm “quy hoạch đi trước mở đường”, vì vậy, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là một trong những yêu cầu tất yếu khách quan, là vấn đề cần thiết và cấp bách, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là “trái tim của cả nước”; tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân, lan tỏa, trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Và hơn thế, việc hoàn chỉnh quy hoạch nhằm bảo đảm chức năng tối quan trọng của Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế.
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng trong công tác quy hoạch, đó là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây đều là nhiệm vụ khó và có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như tiến độ thực hiện; trong đó, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau để bảo đảm tính thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện. Vì thế, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo, tọa đàm, làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyên gia, nhà khoa học, nhằm tranh thủ khai thác, tiếp thu trí tuệ, sự sáng tạo, các ý kiến tư vấn, phản biện có giá trị để từng bước hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt nhất.
Tinh thần nghiêm túc, cầu thị ấy, một lần nữa được thể hiện rõ nét tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 29-9. Tại hội thảo, thành phố Hà Nội bổ sung thêm nhiều góp ý có chất lượng chuyên môn sâu, các ý tưởng táo bạo, quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng yếu cho Quy hoạch Thủ đô. Đúng như lời Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tại hội thảo, rằng: Việc tổ chức triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn nước rút, cần lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, bộ, ngành và quần chúng nhân dân để hoàn thiện sản phẩm quy hoạch tích hợp đầu tiên của Thủ đô bảo đảm tiến độ, chất lượng. Qua đó, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân, phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của Hà Nội trong phát triển phù hợp với xu hướng thời đại, đồng thời mang lại những giá trị sống tốt đẹp cho người dân.
Hoàn thiện công tác quy hoạch là định hướng quan trọng cho Thủ đô Hà Nội có không gian phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó cũng là mục tiêu bao trùm được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Với những yêu cầu đặt ra trong nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nỗ lực, nhận thức đầy đủ, tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt để có kết quả, sản phẩm chất lượng, đúng tiến độ đề ra. Việc lập quy hoạch cần tiếp tục cập nhật các định hướng quy hoạch cấp cao hơn (quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia); đồng thời định hướng không gian phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả thiết thực, phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các khu vực, địa phương của Thủ đô và trong Vùng Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.