(HNM) - Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, thị trường này của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của thành phố. Để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy cung - cầu, phát triển các tổ chức trung gian, hoạt động xúc tiến hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá.
Phát triển chưa như kỳ vọng
Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội nói chung và phát triển thị trường khoa học và công nghệ nói riêng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối tháng 9-2022, Hà Nội đang dẫn đầu với 127 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên tổng số khoảng 600 doanh nghiệp lĩnh vực này của cả nước. Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Việc khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp đã được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn manh mún, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, song việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu còn chậm. Số doanh nghiệp được tham gia, chủ trì các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm còn rất ít so với tổng số doanh nghiệp của Thủ đô. Do đó, chưa phát huy tốt vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong liên kết với các viện, trường trên địa bàn và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, việc Nhà nước hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố còn rất hạn chế, do chưa giải quyết được các vướng mắc theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 về “Quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước”. Ngoài ra, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương cũng gặp nhiều vướng mắc khi triển khai, do khung pháp lý chưa đồng bộ.
Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - phân bón Fitohoocmon Lê Văn Tri cho biết, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định, tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Thế nhưng, việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ đã gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ (kể cả bằng sáng chế đã được bảo hộ) làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Thử nghiệm chính sách mới
Với định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng hội nhập, Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội đặt mục tiêu hình thành và phát triển từ 3 đến 5 tổ chức trung gian trên địa bàn và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ quốc gia; hình thành cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ sản xuất của 3 ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tổ chức ít nhất từ 3 đến 4 sự kiện kết nối cung cầu phát triển thị trường khoa học và công nghệ quy mô thành phố và cấp vùng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, vào cuối tháng 11-2022, Sở sẽ tổ chức hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, với chủ đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. “Mục đích của hoạt động này là nhằm nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn và cơ quan nhà nước của thành phố kết nối, tiếp cận công nghệ, giải pháp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo...”, ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ Hà Nội đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện thử nghiệm chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới; đổi mới cơ chế quản lý cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hướng dẫn doanh nghiệp trích và sử dụng quỹ; thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với doanh nghiệp không thực hiện theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.