(HNM) - Hiện nay, nhiều diện tích rừng tự nhiên, giàu trữ lượng đang bị khai thác quá đà, xâm hại nặng nề hoặc bị chuyển sang mục đích khác do nhu cầu phát triển kinh tế cùng những hạn chế trong quản lý, bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Thái Hiền |
Gần 10.000 vi phạm
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, trong tháng 9, cả nước phát hiện 949 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, mặc dù đã giảm 305 vụ (24%) so với tháng 9-2017 nhưng diện tích rừng bị thiệt hại vẫn là 68ha. Lũy kế 9 tháng của năm 2018, cả nước đã phát hiện 9.796 vụ, giảm 3.523 vụ (26%) so với 9 tháng đầu năm 2017 và diện tích rừng bị thiệt hại 9 tháng của năm là 745ha, giảm 551ha (43%) so với 9 tháng năm 2017.
Điều này cho thấy, mỗi năm cả nước có hàng ngàn héc ta rừng bị tàn phá. Việt Nam hiện có hơn 10 triệu héc ta rừng tự nhiên, chiếm 71% diện tích rừng cả nước. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên chủ yếu là rừng mới phục hồi, rừng nghèo; rừng giàu còn lại rất ít.
Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết, do nhiều địa phương, chính quyền buông lỏng quản lý khiến nạn khai thác rừng diễn ra nghiêm trọng. Nhiều cánh rừng nguyên sinh có trữ lượng gỗ lớn được giao cho người dân hoặc có lực lượng chức năng quản lý, nhưng hiện tượng “chảy máu rừng” vẫn tồn tại.
Một nguyên nhân nữa khiến việc quản lý rừng gặp nhiều khó khăn, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương thì "việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh bền vững và tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế trong phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên... còn thiếu hệ thống, kém hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực".
Đối với Hà Nội, theo ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: "Diện tích rừng tự nhiên của Hà Nội không lớn, phân bố ở 7 huyện, thị xã nhưng có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái và an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp của một số tổ chức, hộ gia đình... trên địa bàn chưa cao; trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương còn bất cập. UBND các huyện, thị xã có rừng vẫn để việc mua bán, sang tên chuyển nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Đặc biệt, việc giao đất, giao rừng theo quy định cho các tổ chức, hộ gia đình gắn với xác định mốc giới 3 loại rừng ngoài thực địa (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) bảo đảm rừng thực sự có chủ và người dân sống được bằng nghề rừng... vẫn chưa được thực hiện".
Trách nhiệm người đứng đầu
Ở góc độ khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị nhận định: "Thời gian qua, hầu như tháng nào trên địa bàn cả nước cũng xảy ra các vụ lâm tặc tàn phá rừng tự nhiên, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Việc phát triển kinh tế dựa vào rừng tự nhiên gắn với du lịch đã có nhiều mô hình thành công, song không nhiều và dễ bị biến tướng.
Điển hình là vụ việc chuyển đổi rừng sang các dự án nuôi bò và du lịch tại tỉnh Phú Yên gần đây, cho thấy công tác thực thi pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý rừng bền vững vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Do đó, rất cần có chế tài đủ mạnh, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương... nếu để xảy ra phá rừng tự nhiên hoặc khai thác, sử dụng rừng sai mục đích".
Để phát triển rừng bền vững và khai thác rừng có hiệu quả, ngày 26-9, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch 186/KH-UBND về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có, từng bước khai thác bền vững tiềm năng lợi thế của rừng; xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; tăng cường trồng mới, chăm sóc diện tích rừng đã có, góp phần làm tăng độ che phủ rừng, phấn đấu đến năm 2025, đạt 20m2 cây xanh/người và tăng dần qua các năm.
Sở NN&PTNT xây dựng thí điểm mô hình trồng rừng bằng giống mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, có khả năng bảo vệ độ phì nhiêu của đất, môi trường rừng của Hà Nội. Qua đó, làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng mới, thay thế rừng trồng bằng các giống có giá trị cao hơn. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong năm 2020. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng quy định của pháp luật.
"Để phát triển rừng bền vững, cần tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu theo phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.