Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển "nóng", quản lý "nguội"?

Tuấn Khải| 27/08/2015 05:51

(HNM) - Với khoảng 1,7 vạn xe đang hoạt động, loại hình taxi có vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, do phát triển quá "nóng", cung vượt cầu, cộng với ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp (DN) taxi và trực tiếp là đội ngũ lái xe nên taxi cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông thời gian qua. Cùng với đó, đại bộ phận các hãng taxi đang quá đặt mục tiêu lợi nhuận, luôn tái diễn điệp khúc "lên nhanh xuống chậm" mỗi khi giá xăng dầu được điều chỉnh.

Siết chặt khâu tuyển dụng lái xe là việc làm rất cần thiết với các hãng taxi. Ảnh: Như Ý


Vi phạm quá nhiều

Trong báo cáo tổng hợp mới nhất của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội tháng 6-2015, toàn thành phố có trên 300 taxi vi phạm bị các lực lượng chức năng xử lý với các lỗi chủ yếu là dừng đỗ sai quy định, đi vào đường cấm; không có đồng hồ, hộp đèn tính cước; giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Thậm chí, có cả lái xe không có giấy phép lái xe, không mặc đồng phục và không đeo thẻ của hãng; không mang theo giấy phép lái xe và đăng ký, bảo hiểm ô tô; ô tô có giấy phép nhưng đã hết hạn… Số lượng các hãng có lái xe vi phạm cũng rất nhiều, trong đó có cả các hãng lớn, có thương hiệu nổi tiếng như Taxi ABC, Ba Sao, Taxi CP, Taxi Group, Hương Lúa, Long Biên, Mai Linh, Mỹ Đình, Sao Hà Nội, Thành Công, Thanh Nga, Vạn Xuân…

Nhằm chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn, vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, DN chỉ đạo các bộ phận điều hành vận tải thường xuyên cập nhật, theo dõi, nhắc nhở và xử lý vi phạm thông qua phần mềm theo dõi, quản lý thiết bị giám sát hành trình của đơn vị. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Nếu các đơn vị tiếp tục để phương tiện vi phạm, Sở sẽ xem xét đình chỉ hoạt động và kiên quyết thu hồi phù hiệu. Với các đơn vị có nhiều phương tiện vi phạm sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động để đơn vị tự chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong công tác quản lý, điều hành vận tải. Bên cạnh đó, yêu cầu các đội Thanh tra GTVT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý dứt điểm các vi phạm tại các khu vực trung tâm thương mại (Vincom, Royal City, Parkson…) và các khách sạn, bệnh viện, bến xe, nhà ga…; tiếp tục thống kê các trường hợp vi phạm làm cơ sở để xử lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, không ít DN taxi đang điều hành quản lý theo kiểu bán thương hiệu, cho thuê bộ đàm… và phó mặc cho lái xe trên đường. Trong khi đó, tình trạng cung vượt cầu (toàn thành phố có tới trên 110 hãng với khoảng 1,7 vạn taxi) đã khiến cho lĩnh vực kinh doanh taxi càng trở nên phức tạp. Tình trạng tranh giành khách, chạy bừa vượt ẩu, dừng đỗ đón khách sai quy định sẽ còn kéo dài nếu như các cơ quan chức năng không có những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm quản lý taxi.

Coi thường "thượng đế"

Trong vòng hơn 1 tháng qua, giá xăng đã giảm lần thứ 4 liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 2.200 đồng/lít. Thế nhưng, cũng như rất nhiều lần Bộ Tài chính và Bộ Công thương điều chỉnh giảm giá xăng dầu trước đây, các hãng taxi lại tiếp tục chây ỳ, giữ nguyên giá cước với nhiều lý do khác nhau. Nhiều DN cho rằng, mức giảm tổng cộng 2.200 đồng/lít như hiện nay là… chưa đáng kể để giảm giá cước và vẫn đang chờ đợi tín hiệu tiếp theo từ thị trường xăng dầu.

Đại diện các hãng taxi Mai Linh, Nguyên Minh… lại cho rằng, mỗi lần điều chỉnh cước phí rất tốn kém thời gian và tiền bạc với các thủ tục phức tạp từ điều chỉnh đồng hồ, đăng ký kê khai giá… Việc thực hiện điều chỉnh cước phải mất trung bình khoảng 200.000 đồng/xe. Với những hãng lớn lên tới hàng nghìn xe, mỗi lần điều chỉnh sẽ khiến DN mất tới vài tỷ đồng… Tuy nhiên, lập luận này thật khó thuyết phục người tiêu dùng bởi cũng với tổng mức tăng giá xăng tương tự ở những lần trước, các hiệp hội taxi và DN taxi lập tức tổ chức hội thảo, khẩn trương thực hiện điều chỉnh tăng giá cước và kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ khó khăn với DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các DN vận tải chậm điều chỉnh giá cước mỗi khi giá xăng giảm trong khi lại tăng rất nhanh khi giá xăng tăng đang là lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Do đó, đối với các DN chậm điều chỉnh phải có chế tài xử lý, đồng thời có hình thức biểu dương đối với những DN làm ăn nghiêm túc, thực hiện tăng, giảm cước theo đúng quy luật thị trường.

Trong khi đại bộ phận các hãng chây ỳ thì duy nhất Hãng taxi VIC đã chủ động giảm giá cước ngay từ lần giảm giá xăng thứ 3 vào ngày 4-8 vừa qua. So với trước kia, giá cước VIC taxi đã giảm trung bình 800 đồng cho mỗi ki lô mét, tức là giảm gần 7%. Hiện mức cước của VIC taxi là 11.000 đồng cho 30km đầu tiên. Từ ki lô mét thứ 31 trở đi, cước sẽ là 9.000 đồng/km. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng quyết định giảm 80% giá cước chiều về cho hành trình trên 60km.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển "nóng", quản lý "nguội"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.