Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ công nghệ sinh học

L.H| 04/12/2012 11:33

(HNMO) - Sử dụng công nghệ sinh học đã đóng góp vào việc cải thiện môi trường bằng cách giúp tiết kiệm 443 triệu kg thuốc trừ sâu, giảm tới 19 tỉ kg khí CO2 chỉ riêng trong năm 2010, tương ứng với lượng khí thải của gần 9 triệu xe ô tô...

Theo đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực, vấn đề cần giải quyết quan trọng nhất là phải tăng năng suất cây trồng trên quỹ đất vốn có, hoặc thậm chí là đang ngày càng hạn hẹp hơn.

Từ năm 1996, công nghệ sinh học là một trong những giải pháp 29 quốc gia ứng dụng để giải quyết vấn đề trên. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) từ năm 1996 đến 2010, diện tích cây trồng công nghệ sinh học đã góp phần tích cực vào quá trình tăng cường an ninh lương thực; phát triển bền vững và khắc phục biến đổi khí hậu thông qua việc nâng sản lượng cây trồng lên 78,4 tỉ USD.

Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ sinh học đã đóng góp vào việc cải thiện môi trường bằng cách giúp tiết kiệm 443 triệu kg thuốc trừ sâu, giảm tới 19 tỉ kg khí CO2 chỉ riêng trong năm 2010, tương ứng với lượng khí thải của gần 9 triệu xe ô tô vận hành trên đường; bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách góp phần bảo tồn 91 triệu hecta rừng và giúp xoá đói giảm nghèo cho 15 triệu nông dân sản xuất quy mô nhỏ – những người thuộc thành phần nghèo nhất trên thế giới.

Để hiểu rõ vấn đề trên, mới đây, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội kết hợp với công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh tập đoàn Monsanto tại Việt Nam) tổ chức hội thảo “Vai trò cây trồng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”. Hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia nông nghiệp tương lai đến tham dự và cùng thảo luận với các chuyên gia hàng đầu về thực trạng nền nông nghiệp Việt Nam và ứng dụng công nghệ sinh học, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.

Bà Charina Garrido-Ocampo, Giám đốc Đối ngoại của Monsanto Philippines chia sẻ: “Tại Philippines, ngô biến đổi gen chống chịu sâu bệnh (ngô Bt) đã được Chính phủ phê chuẩn cho phép thương mại hóa từ 10 năm trước nhờ môi trường chính sách thuận lợi và hệ thống luật pháp thông suốt và khoa học. Nông dân sử dụng hạt giống ngô Bt vượt trội hơn người sử dụng các giống lai thông thường (OH) về năng suất, chi phí sản xuất, thu nhập, hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh về giá trên toàn cầu và khả năng thu hồi vốn.


Thực tế, tại Việt Nam, trong Nghị quyết về Đảm bảo An ninh Lương thực quốc gia từ nay đến năm 2020, bên cạnh những đổi mới trong chính sách đất đai và bảo vệ môi trường, Chính phủ cũng đang nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất sản xuất nông nghiệp. Công nghệ sinh học được xem như xu hướng tất yếu và giải pháp hiệu quả đã được khoa học chứng minh nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực an toàn cho sức khỏe con người.

Bà Shakilla Shahjihan cho biết thêm: “Tập đoàn Monsanto luôn đi đầu trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cung cấp các giải pháp tốt hơn nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực. Monsanto đã đầu tư 10 triệu USD vào chương trình học bổng quốc tế Beachell-Borlaug (MBBISP) để khuyến khích các tài năng làm luận án tiến sĩ về nghiên cứu phát triển và tạo giống lúa hoặc lúa mỳ. Chương trình MBBISP đã ghi nhận công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Henry Beachell và Tiến sĩ Norman Borlaug (đoạt giải Nobel năm 1970), những người đi tiên phong trong việc nhân giống và nghiên cứu về lúa và lúa mỳ”.

Chương trình MBBISP nhận hồ sơ năm 2013 bắt đầu từ ngày 1.11.2012 tới 1.2.2013. Sinh viên Việt Nam muốn tham dự chương trình có thể tìm thêm thông tin chi tiết tại www.monsanto.com/mbbischolars.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ công nghệ sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.