Việc phát triển công nghệ sinh học trong y học tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có nền công nghiệp sinh học thực sự. Con đường đưa sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong lâm sàng rất khó khăn...
Sáng 1-10, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, diễn ra Diễn đàn Công nghệ ngành y tế: Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học, giúp giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, diễn ra trong tất cả các khâu, từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh... đến sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế.
“Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay” - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận 2 nội dung quan trọng: Ứng dụng công nghệ sinh học trong y học, liệu pháp tế bào, ứng dụng tế bào gốc, nghiên cứu nguồn gen dược liệu, công nghệ in 3D cá thể hóa; Chuyển đổi số, dữ liệu mở trong ngành y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kỹ thuật số trong kinh doanh dược phẩm.
Theo GS.TS Trần Huy Thịnh, Trường Đại học Y Hà Nội, công nghệ sinh học trong y học tại Việt Nam được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là chẩn đoán, định hướng điều trị bệnh như phát hiện đột biến gen gây bệnh, xác định người mang gen, sàng lọc trước sinh và tư vấn di truyền; xác định tình trạng gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư: phổi, máu, đại trực tràng…
Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ sinh học trong y học tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có nền công nghiệp sinh học thực sự, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng với các doanh nghiệp; con đường đưa sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong lâm sàng rất khó khăn...
Về định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam, GS.TS Trần Huy Thịnh nêu 5 định hướng, đó là: Phát triển vắc xin, kháng thể đơn dòng, thuốc, chế phẩm sinh học trong phòng và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ gen, tế bào và sản phẩm từ tế bào trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược; phát triển thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IVDs); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong đó, ông nhấn mạnh đến sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm lâm sàng và sự đồng hành của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện ngành y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, các cơ sở y tế của Phú Thọ đều triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS), 100% cơ sở y tế đã triển khai hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm (LIS). Kết quả LIS được liên thông tự động về HIS. Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời, góp phần giảm tải bệnh viện và xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: Văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, đó là chưa xây dựng được quy hoạch, kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành vào giá dịch vụ y tế; việc kết nối, liên thông đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của ngành y tế còn rời rạc, kết nối thiếu liên tục... Đặc biệt, thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.