Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nhà ở xã hội: Thiếu vốn, thiếu cơ chế

Hà Phong| 30/08/2014 06:07

(HNM) - Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp, học sinh và sinh viên, nhưng hiện tại đang có không ít dự án phải tạm dừng.

Nguyên nhân cũng như tìm giải pháp góp phần tháo gỡ là nội dung buổi làm việc giữa Ban Dân nguyện của Quốc hội với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành, ngày 29-8.


Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên việc phát triển loại hình này đang có nhiều vướng mắc. Ảnh: Phan Anh


Chưa đủ sức hút đối với nhà đầu tư

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên cơ sở thăm dò nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên, thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030. Chương trình đáp ứng cùng lúc 3 mục tiêu: Tăng mỹ quan đô thị, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; góp phần đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Song bất cập là mặc dù chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội đã có nhưng chưa thể áp dụng vì nhiều vướng mắc, đồng thời cơ chế ưu đãi chưa đủ sức hút chủ đầu tư.

Hà Nội hiện có 66 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã và đang triển khai với 5.016.977m2 sàn xây mới. Trong đó, có 44 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, tương đương 37.800 căn hộ; 10 dự án xây dựng nhà ở sinh viên với 362.775m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 39.114 sinh viên; 12 dự án nhà ở công nhân. Nhưng có không ít công trình phải dừng tiến độ. Ngược lại, một số dự án nhà ở công nhân quy mô lớn đã hoàn thành một phần nhưng chưa có nhiều công nhân thuê ở. Đơn cử, dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có 1/10 tòa nhà đã hoàn thành và tỷ lệ lấp đầy mới đạt 85% công suất, dự án nhà ở tại Kim Chung (huyện Đông Anh) hiện có 6 tòa với 2.700 chỗ trống do công nhân trả lại không thuê tiếp. Đáng chú ý, các chỉ tiêu phát triển nhà ở công nhân và học sinh, sinh viên đến năm 2015 theo Chương trình phát triển nhà ở của thành phố có khả năng không đạt yêu cầu đề ra do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó vốn ngân sách và khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp rất hạn chế.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng, việc giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ còn chậm, thời hạn giải ngân ngắn, số doanh nghiệp, cá nhân vay chưa nhiều, tổng số vốn cam kết và hạn mức thực tế giải ngân cho vay còn thấp. Ngoài ra, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và Ban Quản lý các cụm, điểm công nghiệp thuộc Sở Công thương, kinh tế nói chung, sản xuất công nghiệp nói riêng, đặc biệt là thị trường bất động sản phục hồi chậm cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển quỹ nhà. Chưa hết, do Bộ Xây dựng chưa hướng dẫn tiêu chí cụ thể để xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu nhà ở công nhân trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên việc thực hiện càng khó khăn.

Nhiều người hiện chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Ảnh: Phan Anh


Có thể phát hành trái phiếu Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nội quyết tâm hoàn thành các dự án liên quan hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong hai năm 2014-2015. Về xây dựng nhà ở cho sinh viên, trước mắt thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp, vì hai dự án này về cơ bản đã hoàn thành. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP Hà Nội có thể sẽ phát hành trái phiếu Thủ đô. Hà Nội cũng đã rà soát các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời yêu cầu các ngành làm việc cụ thể với các khu công nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt lưu ý triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của công nhân tại các khu nhà ở. Bởi lẽ, hạ tầng còn thiếu cộng với công tác quản lý, vận hành có vấn đề là lý do khiến nhiều người không mặn mà ở trong các khu nhà này. Những bất cập này cần xử lý dứt điểm.

Để khơi thông thị trường nhà ở xã hội, một vấn đề cũng cần lưu ý là hiện nay xét về chỉ số giá nhà ở so với thu nhập của người thu nhập thấp ở Việt Nam còn rất cao. Nhưng khâu "tiếp nhiên liệu" cho doanh nghiệp, người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở trên địa bàn còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Theo phản ánh của doanh nghiệp và người dân, nguyên nhân chủ yếu là khó đáp ứng điều kiện thế chấp khi vay. Vì vậy, UBND TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục cho vay; cho phép các đối tượng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội trước ngày 7-1-2013 được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, sửa đổi Luật Nhà ở bắt đầu từ việc bổ sung chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần hình thành các quỹ tài chính, tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở giúp người thu nhập thấp có nhiều kênh có thể vay để thuê, thuê mua quỹ nhà ở xã hội.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Hà Công Long khẳng định, những đề xuất nêu trên sẽ được ghi nhận, tổng hợp để xem xét giải quyết, góp phần đẩy nhanh tiến độ mở rộng mô hình nhà ở xã hội không chỉ ở Thủ đô mà còn ở các địa phương khác.

Trong 10 dự án phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên triển khai trên địa bàn thành phố, có 5 dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với 234.439m2 sàn, đáp ứng cho 23.418 học sinh, sinh viên. Trong đó, dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp đã hoàn thành 3/5 khối nhà với 108.307m2 sàn xây dựng mới, đáp ứng cho 10.880 học sinh, sinh viên; 2 khối còn lại hiện đã xây xong phần thô nhưng đang tạm dừng do thiếu vốn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhà ở xã hội: Thiếu vốn, thiếu cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.