Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nhà ở xã hội: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Khánh Khoa| 19/06/2014 04:13

(HNM) - Tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tăng tới 225% so với cuối năm 2013; nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc thủ tục cần tháo gỡ để triển khai gói tín dụng này đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.

Thiếu quỹ đất làm nhà xã hội

Theo Bộ Xây dựng, đến ngày 31-5, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 3.954 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 2.156 tỷ đồng. So với thời điểm 31-12-2013, tốc độ tăng trưởng của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng khá ấn tượng, đạt tới 225%, chiếm tỷ lệ 13% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, tốc độ giải ngân chưa đạt yêu cầu do nguồn cung nhà ở xã hội còn ít. Trong khi, nhiều địa phương chưa quyết liệt trong giải quyết trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, cũng như chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, nên dự án chậm triển khai. Qua kiểm tra, nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% tại các khu đô thị mới theo quy định để làm nhà xã hội; hầu hết các khu công nghiệp hình thành chưa bố trí quỹ đất làm nhà cho công nhân. Thực tế, dự án nhà ở xã hội thường xa trung tâm, ít thuận lợi cho việc sinh hoạt, di chuyển của người dân. Về chính sách, nhiều cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội như hỗ trợ đầu tư hạ tầng không được địa phương quan tâm, hoặc mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của địa phương nên mỗi nơi có cách hỗ trợ khác nhau, không thu hút doanh nghiệp tham gia.

Một góc khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Ngân hàng thêm quy định, người vay lo lãi suất

Về phía ngân hàng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mặc dù để hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng là gói tín dụng có vay có trả, nên các ngân hàng phải chịu trách nhiệm thu hồi vốn. Trong bối cảnh nợ xấu đang là vấn đề lớn với hệ thống tài chính, tiền tệ nên một số ngân hàng đưa ra quy định quá thận trọng. Thậm chí, đặt ra quy định riêng mà nhiều khách hàng không thể đáp ứng hoặc quá chậm trễ trong xét duyệt, thẩm định khiến người dân, doanh nghiệp chán nản. Về phía khách hàng, vấn đề lớn khiến người dân ngại tiếp cận gói tín dụng này là lãi suất, dù đã giảm xuống còn 5%/năm nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân. Chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Để gỡ khó và đẩy nhanh việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các ngành liên quan như xây dựng, ngân hàng nhà nước, tư pháp, tài nguyên - môi trường… đã nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, đăng ký xử lý tài sản bảo đảm… Vừa qua, liên ngành đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay nhà ở. Song, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, các quy định mang tính chất hướng dẫn, không bắt buộc nên việc ngân hàng có cho vay với tài sản hình thành trong tương lai hay không do ngân hàng thương mại quyết định tùy thuộc vào mức độ an toàn, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Nói cách khác, việc bảo đảm khả năng thu hồi vốn và an toàn vẫn là yêu cầu trên hết.

Sẽ tăng nguồn cung, kiểm soát giá

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 98 dự án nhà ở xã hội, đang triển khai 129 dự án khác. Mục tiêu theo chiến lược nhà ở quốc gia, đến năm 2015, phải có tối thiểu 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp khu đô thị, tạo chỗ ở cho 50% công nhân khu công nghiệp. Để tăng nguồn cung, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị định về phát triển nhà ở xã hội, theo đó chủ đầu tư dự án, kể cả hộ gia đình, phát triển nhà ở cho công nhân đều được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% thuế suất giá trị gia tăng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; vay tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất… Liên quan đến chính sách tín dụng, Bộ Xây dựng cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình, đề xuất tăng thời hạn trả nợ lên 15 năm và nới rộng đối tượng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Riêng giá bán, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định doanh nghiệp đầu tư được Nhà nước hỗ trợ, được tính chi phí đầu tư, chi phí hợp pháp khác cộng thêm tối đa 10% lợi nhuận. Vì vậy, nếu 2 dự án có cùng mức bồi thường, cùng quy mô đầu tư thì giá bán nhà ở xã hội sẽ luôn thấp hơn, trừ trường hợp nhà thương mại được bán thấp hơn giá thành hoặc giá bán công bố thấp hơn giá bán người mua thực nộp. Để kiểm soát giá nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra việc xác định giá bán của các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn 3 địa phương lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội có giá bán cao hơn quy định, Bộ Xây dựng và các địa phương sẽ xử lý. Cùng với đó, các đoàn công tác sẽ cùng các địa phương "tháo nút thắt" trong thủ tục phê duyệt, lập, thẩm định dự án nhà ở xã hội, thủ tục điều chỉnh, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu vốn đang rất "nóng" của thị trường.

Tính đến ngày 31-5-2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết là 3.954,4 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Trong đó, với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 5.378 hộ, số tiền là 2.060 tỷ đồng, giải ngân cho 5.368 hộ với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng. Đối với tổ chức, cam kết cho vay 23 dự án với số tiền là 1.894,4 tỷ đồng (Hà Nội có 4 dự án với số tiền 369,4 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 2 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng). Đã giải ngân cho 19 dự án, dư nợ là 812,6 tỷ đồng (Hà Nội có 4 dự án với dư nợ là 194 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 1 dự án, dư nợ là 244,6 tỷ đồng).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhà ở xã hội: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.