Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế và nguồn lực

Dạ Khánh| 11/11/2021 06:13

(HNM) - Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân lao động thời gian qua được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, song kết quả vẫn còn hạn chế. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, cần có cả nguồn lực để trợ lực phát triển nhà ở xã hội.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 23 dự án nhà ở xã hội và đang triển khai 43 dự án. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nguyễn Quang

Thiếu nguồn lực, quỹ đất

Tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu xây dựng mới 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Song kết thúc năm 2020, cả nước mới hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội, khoảng 104.200 căn hộ (tương đương 5,21 triệu mét vuông sàn). Tại Hà Nội, theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu phát triển mới 

6,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Đến ngày 31-12-2020, Hà Nội hoàn thành 23 dự án (khoảng hơn 1,23 triệu mét vuông sàn, tương đương 12.796 căn) và đang triển khai 43 dự án (khoảng hơn 3,6 triệu mét vuông sàn nhà ở, tương đương 49.721 căn).

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu khiến việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu. Một là, thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án do một số địa phương khi quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Hai là, thiếu nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở xã hội. “Trong giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách để phát triển nhà ở xã hội bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội đạt thấp, khoảng 2.163 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đáp ứng khoảng 24% nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo kế hoạch vốn đến năm 2020 (nhu cầu vốn 248,63 tỷ đồng) vẫn chưa bố trí được”, ông Bùi Xuân Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành Lê Hữu Nghĩa chia sẻ, tham gia một dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp mất khoảng 5 năm mới thu hồi được vốn, nên mất đi cơ hội kinh doanh dự án nhà ở thương mại khác. Mặc dù được ưu đãi tiền sử dụng đất, song do bị khống chế về giá nên tỷ suất lợi nhuận dự án nhà ở xã hội chỉ là 10-15%, thấp hơn dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp không muốn đầu tư.

Cần Nhà nước trợ lực

Ngày 28-10-2021, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù. Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng. Trong đó có 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 dành cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng cá nhân được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay theo quy định. Đồng thời, 50.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho công nhân lao động, chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi.

Trước đề xuất của Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được Chính phủ thông qua, vấn đề nhà ở cho người lao động sẽ được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, Bộ cũng đề xuất cơ chế gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; có giải pháp tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội… Ngoài ra, chủ đầu tư được khấu trừ chi phí nếu phải thực hiện giải phóng mặt bằng khi nộp tiền sử dụng đất; chủ đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân còn được hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp... “Nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được Chính phủ chấp thuận, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ sẽ tạo động lực, tác động tích cực lên nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế và nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.