Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Đỗ Minh| 24/04/2023 06:46

(HNM) - Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Sản xuất tại làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Ảnh: Nhật Nam

Vẫn còn sản xuất tại hộ gia đình

Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ, có hơn 1.600 hộ làm nghề; trong đó chỉ có khoảng 600 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, số còn lại vẫn phải sản xuất, kinh doanh tại nhà. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất gỗ tại xã Vạn Điểm chia sẻ, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình vẫn diễn ra tại nhà, do cụm công nghiệp làng nghề của xã đã lấp đầy từ lâu. Dù gia đình đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng việc sản xuất tại nhà vẫn ảnh hưởng tới các hộ xung quanh.

Không chỉ có làng nghề Vạn Điểm, làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng đang gặp khó khăn tương tự. 

Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Xuân Chánh cho hay, cả 6/6 thôn của xã đều có nghề truyền thống, trong đó có 5 thôn làm nghề cơ khí và một thôn làm nghề điêu khắc mỹ nghệ, với trên 2.061 hộ gia đình làm hai ngành nghề trên, chiếm 85% tổng số hộ của toàn xã. Thế nhưng, cả xã mới chỉ có một cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 5,5ha, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất của các hộ. Do còn sản xuất tại gia đình, nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, làng nghề đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động và tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22-25 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường.

“Số lượng làng nghề của Hà Nội khá lớn, với nhiều nhóm nghề khác nhau. Hơn nữa, còn tình trạng sản xuất tại hộ gia đình, khu dân cư, nên không thể đầu tư để đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề”, ông Nguyễn Xuân Đại thông tin thêm.

Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

Để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tối đa nguồn lực từ làng nghề, các địa phương đã chủ động quy hoạch khu, cụm, điểm công nghiệp gắn với các làng nghề.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, để khai thác nguồn lực từ các làng nghề, giữ nghề truyền thống và bảo vệ môi trường, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 cụm công nghiệp làng nghề. “Hiện tại, trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên với quy mô 41,339ha đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 5 cụm công nghiệp đã được thành phố có quyết định thành lập, đang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Khi các cụm công nghiệp này đi vào hoạt động, huyện sẽ giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm môi trường của làng nghề”, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho hay.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn; các bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng và xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Huyện cũng yêu cầu các xã có nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường.

Cùng với sự chủ động của các địa phương, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phát triển làng nghề. Theo đó, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố.

Để phát huy nguồn lực từ kinh tế làng nghề và bảo vệ môi trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2040; và đề nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung, tích hợp "Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040" với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050. Ngoài ra, Sở còn tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2023”, hiện đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Đặc biệt, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

“Việc triển khai các đề án, kế hoạch sẽ giúp các làng nghề khắc phục được những tồn tại hiện nay, nhất là vấn đề môi trường”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.