(HNMO) - Ngày 22-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc thứ hai. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Đại hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Cùng dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi chỉ đạo Đảng bộ thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và 610 đại biểu.
Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh thông tin, giai đoạn 2016-2020, cả nước thành lập mới 10.749 hợp tác xã, 81 liên hiệp hợp tác xã, 15.849 tổ hợp tác. Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã và 119.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên hộ cá thể, cá nhân và doanh nghiệp tham gia.
Đáng chú ý, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã, tăng 3 lần so với năm 2015; 96% số hợp tác xã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động, phù hợp các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Cả nước có 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015). Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp hơn 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề ra mục tiêu thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm trở lên; thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác tăng bình quân 15%/năm; đến cuối năm 2025, thu hút ít nhất 90% tổng số hợp tác xã, 100% liên hiệp hợp tác xã và 30% tổ hợp tác đang hoạt động là thành viên chính thức của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đồng thời, chủ trì, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hằng năm ít nhất 2.000 hợp tác xã, 15 liên hiệp hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và 4.000 tổ hợp tác; xây dựng từ 300-500 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên.
Tại Đại hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thông báo kết quả ngày làm việc thứ nhất. Theo đó, Đại hội đã bầu 154 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa V tái đắc cử Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt được trong 5 năm qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang định hình một nét văn hóa mới, đó là văn hóa của sự hợp tác và chia sẻ để cùng phát triển. Từ truyền thống của dân tộc ta “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi nhiều người”, thấy rằng, khi các thành viên tích cực hợp tác và chia sẻ thì hiệu quả chung sẽ lớn hơn tổng hiệu quả đơn lẻ của từng thành viên cộng lại. Các nét văn hóa đặc trưng đã và đang khắc họa bức tranh kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta. Đó còn là nét văn hóa đặc sắc không chỉ trong kinh tế, mà cả trong chính trị - xã hội, là “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của người sản xuất nhỏ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong những năm tới, nền kinh tế phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do; vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể. Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân.
Thống nhất với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và đặc biệt là 5 chương trình hành động trọng tâm đã nêu trong Báo cáo trình Đại hội của Liên minh Hợp tác xã, Thủ tướng đề nghị cần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, ủy thác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của hợp tác xã nhằm phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ, nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững; cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.
Mặc khác, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng; đồng thời, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trong quản lý hợp tác xã; từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích nghi với thay đổi của thị trường…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thu hút thành viên, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương; xây dựng quy hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, vùng, địa phương gắn với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, hệ thống logistics và siêu thị; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ hợp tác xã.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm, khoa học và công nghệ từ các tổ chức quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hợp tác quốc tế toàn diện, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm, kêu gọi, mở rộng đối tác và khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nhân dịp này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.