(HNM) - Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi rằng: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển... Tuy nhiên, trước những đòi hỏi đặt ra trong thực tiễn, cũng như để thực hiện tốt Di chúc của Người đòi hỏi Đảng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
1. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng và bao quát tinh thần đổi mới, phát triển như là hạt nhân cốt lõi của phương pháp hành động biện chứng và cũng là nét đặc trưng trong phong cách tư duy của Người. PGS.TS Phạm Ngọc Anh khẳng định: Di chúc cùng với “Đời sống mới” (1947), “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Dân vận” (1949) là những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế vào năm 1986”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Người thể hiện mong muốn cuối cùng của mình là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư duy về một nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, có khả năng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chủ động lãnh đạo phát triển kinh tế bằng kế hoạch. Chữ kế hoạch tốt dung nạp tất cả những yêu cầu về sự chuẩn bị, tính thực tiễn, tính hiệu quả... của công tác lãnh đạo phát triển kinh tế. Đặc biệt, mục đích phát triển kinh tế hay tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm dân sinh, vì mục đích dân sinh. Cũng vì tư duy như vậy, Người đã khuyến cáo Chính phủ miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để khoan sức dân và bảo đảm dân sinh. Đây là những nội dung có tính căn bản, luôn luôn cần thiết dù trong giai đoạn phát triển nào.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong Di chúc còn chứa đựng tư tưởng về một nền kinh tế phát triển hài hòa, bền vững khi đặt văn hóa ngay bên cạnh kinh tế và quan tâm bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vạch ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Từ chỗ thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực chất lượng thấp, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực đứng hàng đầu thế giới. Chúng ta có nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định hàng đầu Châu Á trong hàng thập kỷ qua.
Trong mỗi giai đoạn, Đảng đã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, cơ bản phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đem lại hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 của Đảng, kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 so với năm 2000 theo giá thực tế gấp 3,26 lần; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu gấp 5 lần; tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam tăng từ 67 tuổi lên 72,8 tuổi. Năm 2011, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã lần lượt tham gia sáng lập ASEM năm 1996, tham gia APEC năm 1998 và chính thức trở thành thành viên của WTO năm 2006. Nước ta ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hiệp định FTA song phương và đa phương với nhiều nước. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015 và đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vị thế nền kinh tế đất nước ngày càng được khẳng định trong nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Đảng ta luôn luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Nên dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế liên tục mấy năm qua, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải song song thực hiện tốt 3 mục tiêu căn bản là: Kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2013, Việt Nam được ghi nhận là đã hoàn thành 3/8 mục tiêu Thiên niên kỷ gồm: Xóa đói giảm nghèo, phổ cập tiểu học và bình đẳng nam, nữ.
Đảng cũng đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm phát triển kinh tế hài hòa, bền vững gắn với xây dựng văn hóa. Mới đây nhất, tại Hội nghị TƯ 9 (khóa XI), Ban Chấp hành TƯ Đảng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, Đảng xác định phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
3. Năm 2011, tại Đại hội XI, Đảng đã xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chiến lược xác định 3 khâu đột phá gồm: 1 - Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; 2 - Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; 3 - Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Thực hiện chiến lược trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đã tập trung chỉ đạo đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tái cơ cấu lại nền kinh tế trước hết tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng. Đây là quyết định được cộng đồng quốc tế đánh giá hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua. Những kết quả bước đầu đang ngày càng khẳng định tính đúng đắn của chiến lược.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế đất nước đang đặt ra nhiều thử thách. Những đánh giá mới nhất của Đảng, Nhà nước đều nêu rõ: Kinh tế nước ta có bước phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tụt hậu về kinh tế đang đặt ra. Đời sống nhân dân tuy có nhiều bước tiến nhưng vẫn còn khó khăn, một bộ phận người dân còn nghèo. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nói chung, nhất là về kinh tế. Đặc biệt, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, con người Việt Nam, đòi hỏi những biện pháp cấp bách. Thực tiễn này đang đặt ra cho toàn Đảng những trách nhiệm nặng nề.
Soi rọi lại kết quả thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tế gần 30 năm đổi mới đất nước, thành tựu của Đảng ta trong lãnh đạo phát triển kinh tế rất đáng trân trọng. Đây là cơ sở để tin tưởng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 sẽ đạt kết quả khả quan. Đó cũng là niềm tin sắt đá mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt Đảng, Nhà nước khẳng định trong bài viết nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, rằng: “Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ một lần về khả năng có thể vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để thực hiện những mục tiêu lớn lao”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.