Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển huyện Hoài Đức toàn diện, theo hướng đô thị hóa

Vương Duy Hướng| 22/07/2015 06:30

Phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên; lựa chọn đúng những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn nên nhiệm kỳ 2010-2015, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ XXII đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.



Với những thành tích đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Đức đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần, là động lực mới để Đảng bộ Hoài Đức quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.

Bước chuyển lớn trên nhiều lĩnh vực

Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Hoài Đức đã tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chỉ thị về lãnh đạo phát triển kinh tế, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; đổi mới cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp; đưa các mô hình cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao... Nhờ đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra: Công nghiệp - xây dựng chiếm 53,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 40,6%, nông nghiệp chiếm 5,7%. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn trung bình đạt 4.213 tỷ đồng/năm.

Thế mạnh của huyện là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm, huyện đã tăng thêm 270 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn huyện là 1.299 và 10.155 hộ sản xuất kinh doanh chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, dệt may... Toàn huyện đã có 51/53 làng đạt tiêu chí làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, thu hút khoảng 44.000 lao động, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, sản phẩm hàng hóa ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Hoài Đức đã chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như 639ha trồng rau, hoa, cây ăn quả cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha. Trong đó có 97ha nhãn chín muộn; 71ha rau an toàn ở các xã Tiền Yên, Vân Côn; 95ha cây phật thủ ở Đắc Sở, Yên Sở; 40ha bưởi đường ở Quế Dương (Cát Quế) và Đông La. Đáng kể, hai sản phẩm nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Điểm nhấn thành công trong nhiệm kỳ 2010-2015 chính là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn huyện đã huy động 1.398 tỷ đồng cho chương trình quan trọng này, trong đó nhân dân, doanh nghiệp đóng góp và nguồn vốn khác chiếm 24,1%. Đến hết năm 2015, huyện phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 78,9% và đạt huyện NTM, trong đó xã Yên Sở là xã tiêu biểu của thành phố, được trung ương đánh giá là 1/27 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu toàn quốc. Các xã còn lại đều đã đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Thành công của chương trình NTM không chỉ làm đổi thay diện mạo làng quê, sáng - xanh - sạch đẹp hơn mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trách nhiệm của người dân đối với công cuộc hiện đại hóa nông thôn.

Nhiệm kỳ qua, lợi thế của một huyện ven đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi đã được huyện Hoài Đức khai thác triệt để thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm có 1.494 dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn, trong đó có 1.069 dự án đã hoàn thành và chuyển tiếp; 425 dự án mới kinh phí đầu tư trên 2.477 tỷ đồng. Đáng chú ý là hệ thống giao thông như đường giao thông nông thôn, một số tuyến đường trục huyện và các công trình giao thông nông thôn gắn với các tiêu chí về xây dựng NTM đã được đầu tư nâng cấp (đường liên xã nâng cấp, cải tạo 136,69km, cứng hóa 463,3km; đường liên huyện cứng hóa 19,02km; tỉnh lộ xây dựng 10km). Các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần từng bước hoàn thiện, tạo sự đồng bộ, gắn kết hạ tầng kinh tế - xã hội.

Quyết tâm cao trong nhiệm kỳ mới

Bí quyết mang lại sự thành công trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ huyện Hoài Đức chính là nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đổi mới công tác cán bộ. Cán bộ các cấp luôn thực hiện "nói đi đôi với làm", đề cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu. Huyện đã mở 294 lớp đào tạo, bồi dưỡng, góp phần giúp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở nâng cao trình độ, năng lực. Số cán bộ xã, thị trấn có trình độ đại học được nâng lên từ 18,27% năm 2010 lên 80% năm 2015.

Xác định cán bộ "gốc" của mọi công việc nên trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện tiếp tục xác định đây là một trong ba khâu đột phá, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ và tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ. Ngoài công tác cán bộ, Đảng bộ huyện xác định hai khâu đột phá nữa là: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại (trọng tâm là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông trên địa bàn, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý môi trường) và đẩy mạnh cải cách hành chính (trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ phục vụ nhân dân...).

Cùng với 3 khâu đột phá, Đảng bộ huyện đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới và các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy truyền thống anh hùng, tiềm năng thế mạnh, sức mạnh toàn dân; nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và trách nhiệm, năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng huyện Hoài Đức phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh theo hướng đô thị hóa. Đặc biệt, Đảng bộ huyện xác định, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đề nghị chuyển Hoài Đức từ đơn vị hành chính cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp quận trong tương lai gần.

Kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2010-2015
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,3%/năm. Tổng giá trị sản xuất trung bình đạt 4.213 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất đạt 172 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 1,26 lần so với năm 2010. Tổng thu ngân sách đạt 2.059 tỷ đồng. Số tiền thu được từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất là 734 tỷ đồng, chiếm 35,5% thu ngân sách. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - TTCN năm 2015 đạt 2.032 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ 22 triệu đồng/người/năm 2010 tăng lên 35,5 triệu đồng/người/năm 2015.

Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10-11%/năm, hoàn thành vượt mức thu ngân sách. Đến năm 2018, 100% xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm. Có thêm 10 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, số trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 70% trở lên. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1%. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 42% trở lên. Tạo việc làm mới cho 4.000 lao động/năm. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 80% trở lên. Hằng năm có trên 80% số TCCS Đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển huyện Hoài Đức toàn diện, theo hướng đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.