(HNM) - Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí số 13 trong bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Vai trò quan trọng
Xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) là một trong số ít địa phương của Hà Nội ngay từ năm 2012 đã thực hiện 100% cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Mỹ Nguyễn Văn Tài cho hay: Hợp tác xã đang triển khai nhiều hoạt động kinh doanh, hỗ trợ nông dân trong sản xuất như dịch vụ làm đất, dịch vụ ngâm ủ chạy sạ, dịch vụ thu hoạch gặt đập bằng máy; các dịch vụ truyền thống của hợp tác xã (bơm tưới, cung cấp giống, phân bón, bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ tín dụng nội bộ...). Hợp tác xã còn đề xuất với chính quyền địa phương chuyển đổi diện tích sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi hay cây trồng khác: Liên kết trồng khoai tây diện tích 40ha; liên kết sản xuất lúa giống hơn 70ha sản lượng gần 200 tấn... Các dịch vụ, trung bình mỗi năm, đã làm lợi cho hợp tác xã khoảng 11 tỷ đồng.
Nông dân Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) thu hoạch rau trồng theo công nghệ VietGAP. Ảnh: Hữu Tiệp |
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố còn mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư; xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; giải quyết nhu cầu, lợi ích của xã viên và người lao động. Đơn cử, Hợp tác xã Môi trường Thành Công đã thu gom rác thải ở 40 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Xuân... tạo việc làm ổn định cho 700 thành viên và người lao động. Đặc biệt, các hợp tác xã quản lý, khai thác chợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên, tiểu thương kinh doanh… đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Hợp tác xã chợ Phủ Quốc Oai, Hợp tác xã Thương mại Việt Phương...
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư, giai đoạn 2016-2018, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã triển khai củng cố 115 hợp tác xã tại 115 xã xây dựng nông thôn mới. Với số lượng hơn 927.538 thành viên, các hợp tác xã đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và trực tiếp đóng góp vào sự ổn định kinh tế - xã hội.
Thực tế, hoạt động của các hợp tác xã đổi mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cho thấy, hoạt động kinh tế tập thể này không chỉ giúp địa phương hoàn thành tiêu chí 13 mà còn góp phần tích cực hoàn thành nhiều tiêu chí khó của xây dựng nông thôn mới.
Mở rộng, phát triển những mô hình hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hợp tác xã còn hạn chế, dù đã đổi mới hoặc mới thành lập song hoạt động còn đơn giản, thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác mang tính đối phó để đạt tiêu chí số 13 chứ chưa rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sự cần thiết trong củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác nhằm tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự chuyển biến kinh tế tại địa phương... Về nguyên nhân, trước hết, một số địa phương còn hạn chế trong nhận thức về vai trò, vị trí, sự cần thiết phải củng cố, phát triển hợp tác xã đối với xây dựng nông thôn mới; việc chỉ đạo, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ở một số xã xây dựng nông thôn mới đã tác động đến công tác quản lý, sử dụng đất và ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ của hợp tác xã trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án củng cố hợp tác xã.
Để tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã đối với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Lê Văn Thư cho biết: Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục tư vấn, hỗ trợ củng cố 68 hợp tác xã tại 68 xã xây dựng nông thôn mới. Song hành, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của hợp tác xã. Mặt khác, cần chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và hợp tác xã không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từng địa phương cần khẩn trương xây dựng đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, mỗi địa phương nên chọn 2-3 hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hiệu quả; đồng thời, cần xây dựng thêm mô hình hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi theo hợp đồng liên kết, ưu tiên triển khai tại các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương...
Về phía các hợp tác xã, cần tập trung củng cố hoạt động của đơn vị mình theo hướng phát triển ổn định và bền vững; mở rộng các loại hình dịch vụ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho xã viên, nông dân. Đặc biệt, cần quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc tại hợp tác xã. Đối với các xã đã hoàn thành tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất), cần duy trì và có giải pháp nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.