(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020", Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, đưa ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm triển khai đề án hiệu quả, với quan điểm kiên quyết khắc phục tình trạng "bình mới, rượu cũ"...
Chăm sóc rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt |
Giải thể 100% hợp tác xã ngừng hoạt động
Khắc phục tình trạng sản xuất theo quy mô hộ, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế thấp, những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX). Đặc biệt, thực hiện Luật HTX năm 2012, các HTX đã có những chuyển biến tích cực. Theo Liên minh HTX TP Hà Nội, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 1.446 HTX đang hoạt động, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm 60,8%. Năm 2018, có 81 HTX thành lập mới, tăng 55,8% so với năm trước đó. Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, các HTX được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX năm 2012 cơ bản đã khắc phục khó khăn về mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Một số HTX nông nghiệp còn có những giải pháp để tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô HTX; cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng an toàn, giá trị cao...
Đáng chú ý, các HTX đều khắc phục khó khăn về vốn, số vốn đăng ký mới năm 2018 của HTX đạt khoảng 370 tỷ đồng. Trong đó có HTX huy động số vốn góp cao nhất với vốn điều lệ 150 tỷ đồng…
Cùng với những chuyển biến tích cực, việc thực hiện theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế. Hiện, toàn thành phố có 45 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động cần giải thể dứt điểm trong năm 2020. Cũng qua rà soát, đánh giá, toàn thành phố có 371 HTX nông nghiệp trung bình và yếu.
Để tiếp tục phát huy vai trò của nền kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, ngày 4-10-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019-2020. Đặc biệt, mới đây, ngày 30-1-2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 579/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 908 HTX hoạt động hiệu quả; duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 500 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả; có trên 30 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ sinh học... Cùng với đó là tạo điều kiện thành lập mới từ 60 HTX nông nghiệp trở lên theo định hướng phát triển của các huyện; giải thể 100% các HTX ngừng hoạt động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Công nhân Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) chăm sóc lợn thịt thương phẩm.Ảnh: Nhật Nam |
Nói về những khó khăn trong việc đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh HTX, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh chia sẻ, vướng mắc lớn nhất của HTX là thiếu vốn để sản xuất. Ðây có thể nói là khó khăn mà phần lớn các HTX đang phải đối mặt khi không tiếp cận được chính sách vay vốn do không có tài sản thế chấp mặc dù Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định HTX có thể vay vốn không cần tài sản bảo đảm với số tiền tối đa lên tới 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, đào tạo nhân lực, công nghệ, đất đai… đang là những vướng mắc cần phải tháo gỡ. Thời gian qua, dù Liên minh HTX TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kế toán, tập huấn công tác quản lý… cho ba chức danh chủ chốt của HTX, nhưng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu đào tạo của các HTX trong xu thế hiện nay. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức) Đào Văn Oanh cho rằng, một khó khăn nữa đối với các HTX hiện nay chính là mặt bằng sản xuất. Nhiều HTX muốn phát triển thêm các dịch vụ kinh doanh phi nông nghiệp nên nhu cầu được cấp đất để làm trụ sở, phòng giao dịch, kho chứa... là rất cần thiết.
Để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trên, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển HTX và giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng liên quan thực hiện. Thành phố yêu cầu, các địa phương phải rà soát tình hình hoạt động, nắm bắt rõ những khó khăn, vướng mắc của các HTX, từ đó có các biện pháp cụ thể giúp các HTX trung bình, yếu kém nâng cao chất lượng hoạt động. Với việc thành lập mới HTX, hoặc chuyển đổi mô hình phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lựa chọn các sản phẩm theo định hướng phát triển của các huyện để thúc đẩy việc thành lập HTX. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với củng cố, hoàn thiện và xây dựng mới các HTX.
Ngoài ra, các địa phương cần hoàn thiện cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp bằng việc nâng cao trình độ lý luận, quản lý điều hành, khoa học kỹ thuật… Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ thương mại nông sản tổ chức trong và ngoài nước...
Hy vọng với những mục tiêu, giải pháp đồng bộ kể trên, cùng với quyết tâm khắc phục tình trạng "bình mới, rượu cũ", hệ thống HTX nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển hiệu quả, thực chất, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.