Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hệ thống thư viện công cộng ở Hà Nội: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

An Nhi| 23/10/2022 06:17

(HNM) - Hệ thống thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã và các thư viện, phòng đọc cộng đồng, thư viện tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội là những mắt xích quan trọng thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, tri thức đến người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Những năm gần đây, hệ thống này có nhiều đổi mới với các mô hình hay, hiệu quả cần được nhân rộng, tạo nên mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, hữu ích cho thành phố.

Đông đảo người dân đọc sách tại Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Ảnh: Khánh Hùng

Đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo

Hai mươi ba năm qua, Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) do Chi hội Người cao tuổi thôn Bình Vọng quản lý đã trở thành địa chỉ quen thuộc với đông đảo người dân. Đặc biệt, thư viện hình thành “mạng lưới viên” gồm những người cao tuổi quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp sách. Từ đây, người dân thôn Bình Vọng đang sinh sống, học tập và làm việc ở các địa phương khác đã tài trợ, tạo nên lượng sách phong phú với hơn 15.000 bản sách, hàng nghìn tạp chí…

Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) chọn tổ chức phòng đọc sách cộng đồng tại Khu di tích lịch sử Miếu Vạn Phúc - một cơ sở cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phòng đọc được cải tạo từ nguồn xã hội hóa, có khoảng 1.000 cuốn sách và 20 thể loại tạp chí. 12 năm qua, bằng tri thức vốn có trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết ngoại ngữ, Tiến sĩ Đỗ Quang Vĩnh không chỉ quản lý, duy trì phòng đọc sách mà còn đóng vai trò là người giải đáp thắc mắc, hướng dẫn độc giả, nhất là những người trẻ, nên nơi đây thu hút nhiều người dân và cả du khách đến tìm hiểu, đọc sách.

Thư viện quận Tây Hồ được xem là một điểm đến vô cùng yêu thích với người dân, bởi phòng đọc rộng 200m2, thông thoáng, tiện nghi. Nơi đây đặc biệt thu hút các em nhỏ khi có riêng góc đọc thiếu nhi trang trí đẹp mắt. Thư viện còn liên kết với các trường học trên địa bàn phục vụ học sinh đọc theo chuyên đề, đồng thời lập 4 câu lạc bộ bạn đọc, thường xuyên mời diễn giả nổi tiếng tham gia trao đổi về sách và văn hóa đọc. Còn quận Hoàn Kiếm có Thư viện quận Hoàn Kiếm (42 Nhà Chung) và Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12), thuận lợi phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn quận cũng như người dân Thủ đô. Trong đó, tủ sách cộng đồng “Con tàu tri thức” được tổ chức tại Phố sách Hà Nội huy động được 12.000 bản sách, phục vụ theo hình thức kho đọc mở để bạn đọc tự do chọn sách...

Bên cạnh các thư viện công cộng, nhiều mô hình thư viện, phòng đọc sách tư nhân phục vụ cộng đồng được xây dựng và triển khai như: Thư viện Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) hướng đến trẻ em; Thư viện miễn phí (66 phố Chùa Láng, quận Đống Đa) hướng đến đối tượng sinh viên… Em Lê Đức Anh, học sinh lớp 11, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ chia sẻ: “Nhờ các thư viện ở địa phương, nên em không phải đi xa. Em có thể tranh thủ đến thư viện đọc sách nhiều hơn”.

Độc giả trẻ đọc sách tại Thư viện miễn phí (66 phố Chùa Láng, quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm

Quan tâm đến công tác thư viện, lan tỏa những cách làm hay

Theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh, hiện hệ thống thư viện công cộng của thành phố Hà Nội gồm có: Thư viện Hà Nội (tại 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và 2B Quang Trung, quận Hà Đông), 29 thư viện cấp quận, 54 thư viện cấp xã, hơn 1.000 thư viện, phòng đọc cơ sở. Mỗi năm có khoảng 10-20 thư viện, phòng đọc cơ sở được thành lập mới. Tuy nhiên, nhiều thư viện, phòng đọc cơ sở chưa được đầu tư xứng đáng; các sản phẩm, dịch vụ kém phong phú; sự liên thông, liên kết thư viện còn hạn chế…

Là người có sáng kiến cùng Chi hội Người cao tuổi trong thôn lập thư viện, ông Dương Văn Phi, Chủ nhiệm Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) chia sẻ kinh nghiệm: “Bài học xây dựng thành công thư viện thôn là tổ chức “mạng lưới viên” nhiệt tình, tâm huyết tham gia từ công tác vận động, quyên góp sách đến quản lý, tổ chức hoạt động thư viện”. Còn theo chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ văn hóa - xã hội phường Vạn Phúc (Hà Đông), để thu hút bạn đọc trong thời đại số, thư viện cơ sở cũng cần được trang bị hệ thống quản lý sách, tài liệu bằng máy tính; hỗ trợ độc giả tra cứu, tiếp cận sách điện tử với nòng cốt triển khai là lực lượng thanh niên. Ngoài ra, các thư viện công cộng cũng cần thành lập trang thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook để quảng bá, giới thiệu về thư viện, sách mới…

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), người nhiều năm khởi xướng phong trào đọc sách, tặng sách, hỗ trợ xây dựng hàng trăm thư viện cộng đồng cho biết, việc kết nối các đơn vị xuất bản, tình nguyện viên, thư viện, trung tâm sách lớn để hỗ trợ sách, kinh phí, hướng dẫn các thủ thư, người quản lý thư viện ở địa phương rất quan trọng, giúp các em nhỏ, bạn trẻ, người lớn tuổi biết đến những cuốn sách hay, lan tỏa tinh thần tự học từ sách trong cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, việc tổ chức, phát triển hệ thống thư viện góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác thư viện, phát huy các sáng kiến xây dựng thư viện công cộng, nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, thiết thực. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho thủ thư; trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ thống thư viện công cộng ở Hà Nội: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.