(HNM) - Hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
Đó là nhận định tại hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và biểu dương các xã điển hình trong phong trào xây dựng GTNT giai đoạn 2008 - 2013 do Bộ GTVT tổ chức ngày 16-8, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Cầu Bến Cốc, xã Thanh Bình (Chương Mỹ). Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2008-2012, cả nước đã có 46.796 tỷ đồng vốn được huy động xây dựng GTNT (trong đó nguồn vốn ODA chiếm 17,2%, nhân dân đóng góp 18,1%, ngân sách tỉnh chiếm 29,3%, ngân sách huyện 14,6%, trung ương hỗ trợ chiếm 10,02%; các nguồn huy động khác chiếm 11,2%). Người dân còn đóng góp 165,4 triệu ngày công lao động xây dựng GTNT. Các địa phương trong cả nước đã xây dựng mới được 15.185km đường; sửa chữa nâng cấp 74.329km đường; xây dựng hàng nghìn cầu bê tông cốt thép, cầu liên hợp, cầu treo, cầu gỗ thay thế nhiều cầu khỉ xuống cấp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đánh giá: đường sá thuận lợi đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, thu hút được nhiều nhà đầu tư về khu vực nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nông dân có thêm thu nhập, đời sống dần được nâng cao.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, hệ thống đường tỉnh, huyện vẫn đang thiếu so với nhu cầu, quy mô nhỏ và chất lượng thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô về trung tâm; hệ thống đường liên xã, liên thôn, đường thôn xóm chất lượng thấp. Bên cạnh đó, chất lượng các tuyến đường GTNT chưa cao, tải trọng thiết kế thấp nhưng không quản lý được phương tiện quá tải lưu thông nên công trình bị phá hoại. Các địa phương mới chỉ tập trung đầu tư xây dựng mới chưa coi trọng công tác bảo trì nên nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp, hiệu quả thấp.
Trong thời gian tới, ngành GTVT và các địa phương phấn đấu đến năm 2015, 100% xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, với các xã đặc biệt khó khăn do địa hình, chi phí đầu tư lớn thì có đường cho xe máy và xe thô sơ; 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm, tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%, tối thiểu 50% đường thôn, xóm được cứng hóa.
Nhằm phát triển hệ thống GTNT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiến nghị: Nguồn vốn phục vụ phát triển hạ tầng GTNT mới đáp ứng được khoảng 40-50%. Bộ đề nghị trung ương tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, có chính sách thu hút và kêu gọi đa dạng nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới GTNT, bảo đảm lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các loại nguồn vốn để phát huy hiệu quả đầu tư…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lớn, tạo sự liên kết vùng, liên kết thành thị, nông thôn; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ giải pháp hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu chính sách huy động thêm nguồn lực, đặc biệt chú ý đến nguồn xi măng, sắt thép trong nước đang dồi dào hiện nay. Các địa phương phải tiếp tục quán triệt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ còn gian nan, lâu dài, không thể nóng vội.
Theo Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển GTVT để tạo động lực xây dựng nông thôn mới, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. 5 năm qua, trên địa bàn thành phố đã có gần 1.670km đường huyện được đầu tư mặt đường kiên cố (chiếm 86%), còn lại khoảng 16% là mặt đường giản đơn; tỷ lệ đường xã đã kiên cố hóa đạt 62% (tương đương khoảng 10.343km). Nhiều tuyến đường tỉnh sau đầu tư đã phát huy tác dụng to lớn như: Đường 73 (Ba Thá-Miếu Môn) dài 5km, đường cầu Lão-Ba Thá trên tỉnh lộ 429B dài 8,45km, đường tỉnh 414 từ Sơn Tây đến Khu di tích K9 dài 20km… Hàng loạt cây cầu yếu đã được cải tạo, thay thế bằng những chiếc cầu bê tông vững chãi như cầu Hòa Thạch, cầu Phùng Xá, cầu Văn Phương, cầu Sơn Đồng, cầu Hậu Xá… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.