Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển giống lúa theo hướng xuất khẩu

Bạch Thanh| 07/06/2019 04:51

(HNM) - Trong những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh thử nghiệm, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, từ đó hình thành vùng trồng lúa trọng điểm.

Mô hình trồng lúa Japonica của Hà Nội đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để bao tiêu sản phẩm.


Nhiều giống lúa triển vọng

Vụ xuân 2019, nông dân xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) tiếp tục đón nhận tin vui, bởi lúa vừa thu hoạch thương lái đã tấp nập đến đặt hàng thu mua sản phẩm. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú Lê Thị Hồng Lan hồ hởi: “Cây lúa của xã gieo cấy theo phương pháp hữu cơ, gạo ăn rất ngon, dẻo, vị đậm nên sản phẩm không còn phải lo đầu ra”.

Bà Lê Thị Hồng Lan chia sẻ, trước đây nông dân xã Đồng Phú gieo cấy các giống lúa thuần, lúa lai nên năng suất, chất lượng thấp. Từ khi tham gia Dự án PAMSI (sản xuất lúa hữu cơ) của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nông dân xã Đồng Phú đã chuyển sang gieo cấy giống lúa BT7. Do không sử dụng phân hóa học nên năng suất chỉ đạt hơn 42 tạ/ha, nhưng giá trị thu nhập cao gấp 2,5 lần so với giống lúa khang dân. Nhờ tích cực mở rộng diện tích gieo cấy, vùng trồng lúa hữu cơ Đồng Phú nổi tiếng khắp miền Bắc.

Không riêng Đồng Phú, là trung tâm hàng đầu của cả nước về nghiên cứu khoa học, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa với diện tích hơn 79.183ha, nhiều địa phương của Hà Nội đã năng động chuyển sang trồng lúa hàng hóa với các giống lúa chất lượng cao. Trong đó có một số giống chất lượng gạo ngon và được công nhận nhãn hiệu tập thể, như: Gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu, nếp cái hoa vàng Đông Anh, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội ưu tiên phát triển trồng lúa hàng hóa chất lượng cao. Thành phố đã hình thành vùng trồng lúa tập trung chuyên canh chất lượng cao ở 8 huyện trọng điểm: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Vùng trồng lúa cao sản quy mô diện tích lớn, năng suất cao ở 14 huyện trọng điểm và phát triển vùng trồng lúa nếp tại các huyện: Đông Anh, Thanh Oai, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa…

Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng lớn có quy mô hơn 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện, gieo cấy các giống lúa chất lượng: Bắc thơm số 7, Kim Cương 111, Lam Sơn 116, Hương Cốm, Thuần Việt, ĐB18 cho năng suất đạt hơn 60 tạ/ha, lợi nhuận tăng khoảng 9 triệu đồng/ha so với giống lúa khác...

Hướng tới xuất khẩu


Mặc dù sản xuất có chuyển biến tích cực, song đến nay lúa gạo của Hà Nội chủ yếu phục vụ thị trường thành phố và một số tỉnh lân cận; sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo không lớn. Nguyên nhân là do việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất gặp một số khó khăn, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế và nông dân vẫn có thói quen canh tác cũ...

Trước những khó khăn đó, Hà Nội đã xây dựng bộ giống lúa phục vụ việc phát triển lúa hàng hóa theo nhóm. Trong đó, để hướng tới xuất khẩu, các loại gạo thơm, năng suất cao như Japonica có triển vọng khá vừa đưa vào gieo cấy ở một số địa phương trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Thơi, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) chia sẻ, gia đình ông tham gia trồng nhóm giống lúa Japonica với 3 giống chính: J02, VAAS16 và ĐS1. Các giống lúa này đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cho năng suất khá (hơn 60 tạ/ha), cao hơn các giống lúa cũ 20%, ít sâu bệnh hại, chất lượng gạo thơm ngon, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cao…

Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều địa phương đã và đang tích cực chuyển sang trồng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gạo. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện đã mở rộng được hơn 2.000ha gieo cấy giống lúa Japonica...

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, hướng đến xuất khẩu gạo, huyện Ứng Hòa tạo điều kiện thuận lợi, chủ động thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất lúa gạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, Hà Nội định hướng mở rộng nghiên cứu phát triển sản xuất lúa Japonica là hướng đi đúng, bởi thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu loại gạo này khá triển vọng. Hiện, gạo Japonica đang được bán với giá dao động 800-1.500 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với các loại gạo bình thường của Việt Nam.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để hướng tới xuất khẩu gạo, đi đôi với tuyên truyền giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2020 có 20% diện tích lúa được gieo cấy bằng giống Japonica; năm 2025 là hơn 30% diện tích (khoảng 30.000ha)... Qua đó, hình thành và phát triển 50-60 vùng sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hà Nội đã xác định rõ vùng trồng lúa xuất khẩu để có định hướng đầu tư chuyên sâu. Theo đó, việc triển khai gieo trồng các giống lúa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu được thực hiện ngay từ vụ mùa 2019 (diện tích gần 800ha ở 8 huyện với 16 hợp tác xã).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển giống lúa theo hướng xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.