Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Khai thác hiệu quả để góp phần phục hồi kinh tế

Quỳnh Dương| 05/06/2022 06:37

(HNMCT) - Văn hóa là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch và là yếu tố tạo ra sự độc đáo của các điểm đến giúp thu hút du khách. Trong bối cảnh các mô hình du lịch văn hóa ngày càng được nhiều người yêu thích, không ít quốc gia đã xây dựng chiến lược sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Eo biển Bosphorus - điểm đến cuối cùng của Con đường tơ lụa cổ xưa.

Theo nhiều nghiên cứu, du lịch văn hóa là hình thức ban đầu của du lịch với các yếu tố thu hút du khách như phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, những công trình kiến trúc, nghệ thuật và các sản phẩm văn hóa khác...

Tài nguyên/ di sản thiên nhiên cùng với tài nguyên/ di sản văn hóa phải được bảo vệ, gìn giữ, phục hồi và truyền lại cho thế hệ mai sau như một bộ phận của di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại. Vì mục đích này, các tổ chức như UNESCO ra đời, cùng với Liên minh Châu Âu và Hội đồng Châu Âu chịu trách nhiệm đảm bảo việc bảo vệ các di sản văn hóa - thiên nhiên ở cấp độ quốc tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Pedro Cuesta Valino thuộc Trường Đại học Alcalá (Tây Ban Nha) cho biết, văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực có quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau. Văn hóa được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động du lịch. Ngược lại, du lịch tạo động lực để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Khai thác tốt mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho cộng đồng và các địa phương.  

Một trong những “hiện tượng” về du lịch văn hóa những năm gần đây thường được nhắc tới là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lượng du khách liên tục tăng mạnh trong vòng 2 thập niên qua. Theo đánh giá của nhiều trang du lịch nổi tiếng, ngoài việc sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp đặc trưng của vùng Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ còn là đất nước nằm ở vị trí giao thoa giữa 2 lục địa Âu - Á và có bề dày văn hóa, lịch sử phong phú.

Từ 20 năm trước, du lịch văn hóa đã được đưa vào các chương trình nghị sự của chính phủ, đồng thời quốc gia này coi đây là một mũi nhọn phát triển ngành công nghiệp không khói. Nhờ chiến lược khai thác kho di sản văn hóa truyền thống hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặt hái được những thành quả ấn tượng trong phát triển du lịch. 

Một trong những điểm đến du lịch văn hóa được nhiều người biết đến của Thổ Nhĩ Kỳ là eo biển Bosphorus. Đây là điểm tiếp giáp giữa 2 châu lục Á - Âu, cũng là cửa biển đầu tiên của các quốc gia ven biển Đen. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng về địa lý, eo biển Bosphorus còn nổi tiếng bởi hàng loạt di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa tiêu biểu của nhân loại như cung điện của đế chế Byzantine, cây cầu khổng lồ nối 2 bờ châu lục, giáo đường Sophie...

Cùng với đó, Bosphorus cũng gắn với câu chuyện tình lãng mạn của thần Zeus và là điểm cuối cùng của Con đường tơ lụa vang bóng một thời. Ngoài ra, đây cũng là nơi phát triển mạnh về du lịch văn hóa tâm linh nhờ các tu viện Cơ đốc giáo, nhà thờ Hồi giáo. Tu viện Sumela ở Trabzon là điểm đến hành hương chính của những người theo đạo Thiên chúa.

Theo thống kê, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, số lượng du khách tới Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 vào khoảng 45 triệu người. Thành phố Istanbul được đánh giá là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tốt nhất thế giới. Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ, văn hóa vẫn được coi là một đòn bẩy chủ đạo nhằm biến nước này trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng Địa Trung Hải.

Theo đánh giá của nhiều công ty du lịch, thành công của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn nhờ vào cách quản lý và điều hành sát sao của các cơ quan chức năng. Từ chiến lược tổng thể, chính quyền các địa phương sẽ xây dựng phương án phát triển du lịch bền vững tại địa điểm cụ thể. Để làm được điều này, họ đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia hàng đầu và tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về văn hóa, con người cùng những điểm mạnh, điểm yếu tại địa phương. Nhờ đó, các yếu tố văn hóa sẽ được khai thác triệt để. Ví dụ, tại một điểm đến tâm linh thường có hoạt động kể chuyện liên quan tới huyền thoại các vị thánh thần, các lễ hội truyền thống mô phỏng... Sau khi đưa ra được phương án phù hợp, cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành các chương trình quảng bá để thu hút khách du lịch. 

Hằng năm, có tới 40% lượng du khách trên thế giới lựa chọn mô hình du lịch văn hóa. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này sẽ góp một phần đáng kể vào quá trình phục hồi kinh tế của một quốc gia trong thời kỳ hậu Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Khai thác hiệu quả để góp phần phục hồi kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.