Du lịch

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Hướng đi có nhiều lợi ích

Hoàng Lân 09/08/2024 - 06:26

Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, nông thôn là xu hướng được nhiều địa phương đẩy mạnh. Với nhiều tiềm năng, loại hình du lịch này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng quê, mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng.

du-khach.jpg
Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Tập trung khai thác thế mạnh

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD.

Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những thế mạnh đang được nhiều địa phương tập trung khai thác. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các địa phương.

Hiện các địa phương đang nỗ lực tập trung cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thu hút du khách trải nghiệm. Tại tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh thế mạnh là du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn được khai thác mạnh ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều. Còn ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình... nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách như trải nghiệm du lịch hái quả, khám phá mùa lúa chín. Ở miền Trung, Nam Bộ và Tây Nguyên, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành thương hiệu cho nhiều địa phương như: Khám phá đời sống sông nước trên phá Tam Giang ở Thừa Thiên Huế; du lịch miệt vườn tại Cần Thơ, Bến Tre; du lịch trải nghiệm cùng cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên...

Tại Hà Nội, đến nay, thành phố đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp thu hút du khách như: Làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, du lịch cộng đồng bản Miền (huyện Ba Vì)...

Cần tạo được nét riêng

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, trong đó đặc biệt đề cao đến giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy vai trò của cộng đồng. Đến nay, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song loại hình này vẫn chưa thật sự trở thành sản phẩm chủ lực, mũi nhọn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hoạt động du lịch gắn với nông thôn tại Việt Nam phần lớn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống của du khách ở mức đơn giản… Bên cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn giống nhau nên chưa tạo được sức hút với du khách.

Còn theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, điểm yếu của du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam là tính bền vững chưa cao. Sự tham gia của người dân địa phương trong xây dựng sản phẩm còn manh mún. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn để triển khai du lịch nông nghiệp, nông thôn là thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng, đặc biệt là những vướng mắc về quy hoạch, việc sử dụng đất nông nghiệp cho du lịch.

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, cần hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng các chuỗi cung ứng dịch vụ bảo đảm chất lượng và an toàn.

Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, cần có sự liên kết công - tư, giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp trong việc xúc tiến, quảng bá, kết nối du khách và mang lại nguồn lợi cho người dân địa phương. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp ở các địa phương: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Quốc Oai...

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể “cất cánh” như kỳ vọng, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hoạt động hợp tác này sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Hướng đi có nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.