(HNM) - Du lịch đô thị được xem là một trong bốn dòng sản phẩm ưu tiên trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để...
Xe điện là loại hình vận tải được đông đảo khách du lịch ưa chuộng tại Hà Nội. Ảnh: Linh Ngọc |
Còn nhiều tiềm năng
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), người đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đô thị ở Việt Nam”, hiện nay, nước ta chưa có nghiên cứu mang tính tổng thể về vấn đề này. Trong các nghiên cứu liên quan từng được thực hiện, tất cả mới dừng lại ở mức đánh giá thực trạng và tiềm năng của một điểm đến hay phát triển một loại hình du lịch đặc trưng của điểm đến.
Về vấn đề khai thác sản phẩm du lịch đô thị, nhiều ý kiến tin rằng dòng sản phẩm này có tiềm năng rất lớn. Ông Đặng Xuân Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Dấu Chân (Footprint Travel) nhận xét: “Du lịch đô thị tại Việt Nam là sản phẩm giàu tiềm năng, dựa trên bề dày về lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta chưa tập trung khai thác tiềm năng đó và quảng bá đủ tốt tới du khách để họ có thêm lựa chọn, chi tiêu nhiều hơn cho chuyến đi của mình”.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet cho rằng: “Các đô thị có lợi thế về giao thông với đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy. Nhưng điểm mấu chốt để giữ chân du khách vẫn là tạo ra sản phẩm hấp dẫn, có cách tiếp thị sáng tạo. Thực tế, nhiều đô thị ở Việt Nam chưa làm được điều này”.
Lý giải về việc du lịch đô thị chưa được đầu tư đến nơi đến chốn, chưa thể giữ chân du khách ở lại dài ngày, ông Đặng Xuân Sơn đưa ra ví dụ về du lịch đô thị tại Hà Nội. Theo đó, số điểm tham quan còn ít và chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế là nguyên nhân chính khiến du khách không có đủ cảm hứng để ở lại Thủ đô lâu hơn. Nhiều du khách của Công ty Footprint Travel đã quyết định dành thêm thời gian ở biển hoặc vùng núi thay vì tham gia các hoạt động ở khu vực đô thị.
Thống kê cho thấy số khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội trong năm 2017 đạt khoảng 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016, nhưng thời gian lưu trú bình quân chỉ đạt 1,43 ngày/người. “Tại sao khách du lịch quốc tế đến Hà Nội mà không ở lại, hoặc chỉ ở lại trong khoảng thời gian rất ngắn? Có phải nhiều người chỉ coi Hà Nội là cửa ngõ hàng không để vào Việt Nam và đi du lịch ở các nơi khác như Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa… hay không?” - ông Đặng Xuân Sơn đặt vấn đề.
Theo nhận xét chung, du lịch Hà Nội vẫn đang trên đà khởi sắc. Những quyết sách, ý tưởng liên quan tới việc mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, hình thành “phố bích họa” Phùng Hưng, đưa xe buýt 2 tầng vào phục vụ du khách… cho thấy thành phố ngày một quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch đô thị hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tới Hà Nội. Dù vậy, Hà Nội và các địa phương khác vẫn rất cần nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hơn. Điều quan trọng là du lịch đô thị phải được đặt ở vị trí tương xứng với vai trò quan trọng của loại hình này.
Cần giải pháp đồng bộ
Đại diện Công ty Vietrantour cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thể hiện rõ vai trò định hướng, hỗ trợ xúc tiến các tour du lịch đô thị, bảo đảm sự kết nối giữa công ty lữ hành với các điểm đến, làng nghề, đơn vị biểu diễn nghệ thuật; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách… Ngoài ra, đối với du lịch đô thị, kết nối vùng là vấn đề không thể xem nhẹ bởi sự hợp tác giữa các địa phương không chỉ cho phép tận dụng lợi thế của mỗi nơi để tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú, chất lượng, mà còn giúp hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm. Trong quá trình thực hiện giải pháp liên kết vùng, điều quan trọng là tận dụng lợi thế, bản sắc riêng của từng đô thị. “Ví dụ, Hà Nội thu hút khách nước ngoài bởi có khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, đặc sản ẩm thực… chứ không phải khu Mỹ Đình với hàng loạt nhà cao tầng” - ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Xe buýt 2 tầng, một sản phẩm du lịch đô thị mới của TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Để có được giải pháp đồng bộ về phát triển du lịch đô thị, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, cần xem du lịch như là yếu tố không thể thiếu khi xây dựng quy hoạch phát triển chung. Chẳng hạn khi TP Đà Nẵng xây cầu qua sông Hàn, vấn đề không đơn thuần là giải pháp giao thông, mà còn nhằm mục tiêu tạo điểm nhấn du lịch đô thị.
Trong khi đó, ông Đặng Xuân Sơn cho rằng, cần có một kế hoạch quảng bá dài hơi cho các sản phẩm du lịch đô thị. “Hiện tại, sản phẩm du lịch đô thị chưa được chú trọng quảng bá đúng mức. Việc chi tới 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh Hà Nội trên kênh CNN của Mỹ mà TP Hà Nội đang thực hiện là điều hiếm thấy tại Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ nhằm đầu tư mạnh mẽ cho các kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch đô thị” - ông Đặng Xuân Sơn nhận định.
Vấn đề không mới, nhưng đưa du lịch đô thị thành dòng sản phẩm chủ lực là nhiệm vụ không đơn giản. Chúng ta cần có một chiến lược riêng về du lịch đô thị trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương. Đó là định hướng cần thiết để du lịch đô thị không phát triển chệch hướng hoặc lâm vào cảnh “mạnh ai nấy làm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.