Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch cộng đồng ở Nà Bai - Phụ Mẫu: ''Điểm sáng'' cần nhân rộng

Bài và ảnh: Linh Tâm| 03/04/2022 06:00

(HNMCT) - Mặc dù nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn thuộc xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng bản sắc văn hóa địa phương được giữ gìn nguyên vẹn, hai bản Nà Bai - Phụ Mẫu sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại đây trở thành “điểm sáng”.

Du khách thư giãn tại mó nước Bò Ấm.

Những trải nghiệm thú vị

Nằm cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 40km, xã Chiềng Yên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em Dao, Thái, Mường, Kinh, Mông, với dân số trên 5.000 người, trong đó 93,76% là người dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông; tỷ lệ hộ nghèo, mù chữ chiếm hơn 50% dân số... Ở khía cạnh khác, sự hoang sơ, chưa phát triển ấy cũng mang lại nét hấp dẫn cho các bản làng này.

Đến với Nà Bai - Phụ Mẫu, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa và tìm hiểu nhiều điều lý thú. Bản Phụ Mẫu chào đón du khách bằng những đồng lúa, rừng cọ đồi chè xanh mướt. Theo con đường nhỏ dốc thoai thoải, du khách sẽ gặp những ngôi nhà sàn bằng gỗ thâm nâu màu thời gian nơi lưng chừng đồi. Sau khi sắp xếp đồ đạc, du khách có thể dạo quanh bản, thăm thác Tạt Nàng hay ngâm mình nơi mó nước Bò Ấm. Mó nước nằm dưới tán rừng trúc, hướng ra cánh đồng lúa; là nơi nguồn nước trong lành chảy từ lòng núi đá, được người dân quây và xếp đá hộc tạo thành một bể tắm tự nhiên. Đặc biệt, mó nước Bò Ấm có hai dòng nước nóng và lạnh. Riêng dòng suối nóng có nhiệt độ dao động từ 35 - 40oC, giúp du khách thư giãn và hồi phục sức khỏe.

Ngày hôm sau, du khách thức dậy sớm để đến bản Nà Bai và trải nghiệm trekking (đi bộ leo núi) xuyên qua cánh rừng già được bảo vệ nghiêm ngặt. Du khách sẽ hòa mình vào khung cảnh hùng vĩ của đại ngàn, băng qua lũng Pưa Lụt, lũng Cuộn với con đường toàn đá tai mèo hiểm trở. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh huyền ảo của rừng đào, rừng mận chìm trong sương mù hay rừng măng đắng, dong riềng tươi tốt do người dân trồng. Dẫn đoàn băng qua khu rừng già, porter (người dẫn đường) Đinh Văn Điệp luôn miệng nhắc du khách không được bẻ cành, hái quả hay giẫm lên các loại cây nông sản do người dân trồng. Điều đó khiến du khách thêm ý thức về trách nhiệm bảo vệ rừng và môi trường.

Thu hoạch nhiều “trái ngọt”

Vài năm trước, Nà Bai - Phụ Mẫu từng có vài hộ dân làm du lịch cộng đồng nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được vai trò của du lịch trong việc mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, do đó chưa chú trọng đầu tư để khai thác tài nguyên du lịch.

Giai đoạn 2019 - 2022, với nguồn tài trợ từ chính phủ Australia, Tổ chức AOP đã triển khai dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng (GROW)” tại 4 bản du lịch của huyện Mộc Châu và Vân Hồ, trong đó có 2 bản Nà Bai - Phụ Mẫu. Dự án đã cung cấp một phần vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ gia đình để cải tạo nhà thành nơi lưu trú (homestay); Tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ với kỹ năng quản lý, tiếp đón khách và phát triển các dịch vụ du lịch; Hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối với các công ty lữ hành và du lịch có trách nhiệm... Nhờ đó, “trái ngọt” mà cộng đồng địa phương thu được là: 175 người dân được cải thiện sinh kế, 14 tổ nhóm dịch vụ được thành lập trong đó có 7 tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo, 10 homestay được cải tạo đạt chất lượng cao và đón khách...

Chị Đinh Thị Hương, chủ homestay Điệp Hương (bản Nà Bai) cho biết, sau khi được các chuyên gia AOP hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, gia đình chị đã đầu tư xây dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống cùng khu vệ sinh, nhà tắm đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ khách.

“Các chuyên gia AOP luôn nhắc gia đình tôi phải giữ gìn sự mộc mạc và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi cũng được đào tạo các khóa học nấu ăn, đón tiếp khách, làm đồ lưu niệm bằng mây tre, vải. Nhờ đó, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng gia đình tôi vẫn đón được nhiều khách hơn trước, thu nhập cũng tăng lên...”.

Nhìn nhận về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Tất Quân, Quản lý Dự án GROW cho rằng, điều quan trọng nhất để mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương thành công là phải bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó, người dân phải được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, không chạy theo nhu cầu của khách mà làm biến dạng văn hóa và môi trường sống của cộng đồng xung quanh.

“Điều quan trọng nhất của dự án là đã góp phần thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong cách làm du lịch cộng đồng và góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chủ các homestay và các tổ nhóm dịch vụ hiện nay tại Nà Bai - Phụ Mẫu đa số là phụ nữ” - ông Quân nói.

Với những thành công bước đầu tại Nà Bai - Phụ Mẫu và nhiều điểm du lịch cộng đồng trước đó, thời gian tới, Tổ chức AOP sẽ tiếp tục cung cấp, tư vấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình tại Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Mường Phăng (thành phố Điện Biên) và huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) nhằm phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch cộng đồng ở Nà Bai - Phụ Mẫu: ''Điểm sáng'' cần nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.