(HNM) - Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có hiệu lực từ tháng 3-2019, với hàng loạt chính sách ưu đãi, đã tạo nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển.
Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. |
Mở rộng đối tượng
Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và khắc phục hạn chế của những quy định không còn phù hợp, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Nghị định 13) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính thức có hiệu lực từ tháng 3-2019. Ông Đặng Xuân Thắng, Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hệ thống công nghiệp Á Long cho biết, Nghị định 13 đã gỡ bỏ nhiều rào cản trong căn cứ pháp lý, điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đặc biệt, thời gian cấp chứng nhận giảm từ 30 ngày, xuống còn 15 ngày.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa đánh giá, Nghị định 13 đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thời gian qua. Điểm mới đáng chú ý đầu tiên là Nghị định 13 mở rộng đối tượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trước đây, đối tượng này chỉ là doanh nghiệp mới thành lập và đang làm chủ các kết quả nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất, kinh doanh. Quy định mới mở rộng cho cả các doanh nghiệp đã được thành lập từ trước, những doanh nghiệp có thể chưa đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhưng đã tiếp cận được nguồn kết quả nghiên cứu, sáng chế, bí quyết công nghệ, thay đổi sản phẩm và đưa những công nghệ mới vào ứng dụng.
Hà Nội là địa phương có khả năng thẩm định các công nghệ cao, công nghệ mới để cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh đánh giá cao quy định mới về tiêu chí doanh thu từ kết quả nghiên cứu khoa học. Trước đây, các doanh nghiệp năm đầu tiên sau khi được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có 30% doanh thu là sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, năm thứ 2 là 50%, từ năm thứ 3 trở đi phải đạt 70%. Song, với Nghị định 13, tỷ lệ này chỉ còn một mức: Doanh nghiệp đã được công nhận chỉ cần đạt 30% doanh thu từ sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ mới, từ kết quả nghiên cứu đã được hưởng ưu đãi.
Để tạo tác động như kỳ vọng...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, thủ tục dù đã được đơn giản hóa, nhưng đối với doanh nghiệp có sản phẩm chính là công nghệ cao, công nghệ mới, việc thẩm định vẫn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ cấp sở nhiều khi chưa thể xác định rõ được một công nghệ có phải là công nghệ mới hay không.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lưu Hải Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp phải không ít khó khăn như các quy định về chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... Vì vậy, cần có một cơ chế để doanh nghiệp được “cởi trói”, có vốn để kinh doanh...
Ngoài vướng mắc nói trên, theo Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hệ thống công nghiệp Á Long Đặng Xuân Thắng, một vấn đề lớn chưa dễ tháo gỡ là doanh nghiệp chỉ được phép dùng tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Quỹ này được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và theo Nghị định 13, còn có thể dành cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, trích 10% lợi nhuận trước thuế chắc chắn không đủ để nghiên cứu đổi mới công nghệ ở trình độ cao hơn. Còn ông Lê Nam Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm CPC 1 Hà Nội cho rằng, trích 10% lợi nhuận là khiêm tốn và đề xuất tỷ lệ 15%.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, vấn đề này không chỉ đặt ra trong Nghị định 13 mà vướng mắc ngay trong Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Bởi, vấn đề liên quan thuế do Luật Thuế quy định. Chẳng hạn, quy định trích tỷ lệ doanh thu cho nghiên cứu khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kiến nghị Chính phủ điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp được trích không giới hạn, miễn là có một dự án đầu tư cần công nghệ mới, có đủ nguồn lực đầu tư...
Để triển khai thực hiện những quy định mới mang lại hiệu quả thiết thực, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang tiếp tục đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý với những vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết tại các văn bản pháp lý cao hơn như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước... Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố cũng đang tích cực triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để các chính sách mới, quy định mới có thể tạo ra những tác động như kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.