Việt Nam có tốc độ đô thị quá nhanh trong khi quản lý lại chưa theo kịp khiến chất lượng đô thị thấp, đe dọa tính bền vững của đô thị. Để cạnh tranh được với các thành phố ở châu Á, các thành phố của Việt Nam cần hướng tới tính thân thiện để phát triển bền vững.
Nhanh nhưng không chất
KTS Phan Thị Mỹ Linh - Cục trưởng Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng đánh giá: “nếu so sánh với GDP bình quân các khu vực đô thị của các nước Đông Nam Á và châu Á thì tăng trưởng của đô thị Việt Nam còn thấp, kém cạnh tranh so với các đô thị khu vực và thế giới”. Bà Linh cho rằng, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.
Không chỉ cần tầm nhìn 10, 20 năm, Việt Nam cần có những nhà quy hoạch có tầm nhìn trăm năm. (ảnh minh hoạ) |
Bà Linh chỉ ra rằng, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn, tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ dân đô thị được cấp nước còn thấp, thất thoát nước còn lớn, trong khi tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục…
Trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều vướng mắc thì sự mọc lên “chóng mặt” các tòa cao ốc giữa nội đô, đã góp phần “đẩy” tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố vào tình trạng quá tải như hiện nay.
Vào giờ cao điểm như đầu buổi sáng, cuối buổi chiều, quan sát tại các điểm tiếp giáp giữa đường giao thông và lối ra vào các tòa cao ốc, phương tiên giao thông luôn bị dồn nén cục bộ.
Chỉ khoảng 200m từ ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành đến ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng có đến 5 tòa cao ốc, tòa cao nhất 31 tầng, tòa thấp nhất cũng đến 16 tầng. Trong đó, riêng tại tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - tòa nhà được coi là “khiêm tốn” về diện tích với chiều cao 26 tầng cũng đã có tới 200 căn hộ, đó là chưa kể đến một diện tích sàn lớn dùng cho thuê văn phòng, trung tâm giao dịch… Những người dân sống quanh khu vực này cho rằng, chính sự xuất hiện của các tòa cao ốc đã làm đảo lộn tình trạng giao thông ở đây.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng, tác động từ các toà cao ốc đối với giao thông là rất lớn, nhưng thực tế này chưa được những nhà quy hoạch nhìn nhận đúng mức. Ông viện dẫn, trên thế giới, với những công trình xây dựng từ 5.000 mét vuông sàn trở lên đều có quy định đánh giá về tác động giao thông. Vậy, những nhà quy hoạch của thành phố Hà Nội có biết những quy định mang tính khoa học này?
Tác động từ các tòa cao ốc đối với tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung là điều không khó nhìn thấy. Năm 2009, Thành phố Hà Nội đã có Quyết định về việc ngừng cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Nhưng thực tế, nơi này, nơi kia vẫn có những tòa nhà cao tầng mọc lên. Chính vì vậy, vấn đề quy hoạch đô thị sẽ còn gặp nhiều bất cập.
KTS Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, Việt Nam trong thời điểm này cần tăng cường thể chế kiểm soát phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, quy hoạch đô thị.
Phát triển đô thị cần bảo đảm nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, phát huy các giá trị truyền thống để tạo bản sắc, tăng sức cạnh tranh; Cũng cần sử dụng hợp lý nguồn lực và tài nguyên nhiên nhiên và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng đô thị hiện đại, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
Cần ưu tiên cải thiện hạ tầng đường sá
Chuyên gia trưởng và điều phối viên Ban phát triển đô thị thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Dean A.Cira đưa ra đánh giá khá toàn diện về đô thị Việt Nam. Ông nói: “Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu của đô thị hóa quá độ sang giai đoạn trung gian với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng”.
Nhìn từ góc độ kinh tế, vị chuyên gia này phân tích, Việt Nam đã phát triển hai hệ thống đô thị lõi - ngoại vi độc lập và có tính chi phối là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai hệ thống này thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên hai đô thị này đang bị hạn chế lợi thế cạnh tranh của mình do những nút thắt cổ chai trong hậu cần và có chi phí vận chuyển cao không tương xứng. “Vì vậy, hai thành phố này cần ưu tiên cải thiện hạ tầng đường sá để liên kết với các vùng lân cận là rất cần thiết” - ông nói.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, có dấu hiệu cho thấy các tỉnh hiện đang hướng tới cách tiếp cận tốn kém hơn và mạo hiểm hơn là xây dựng “đô thị mới”, và hướng đến các dự án bất động sản cao cấp và mang tính biểu tượng dựa trên chiến lược đô thị hòa nhập.
Ông Dean A.Cira đánh giá cao Việt Nam đã đạt được thành tựu 96% dân số có cơ hội tiếp điện. Tuy nhiên các dịch vụ cơ bản khác như nước và vệ sinh vẫn ở mức thấp. Ông khuyên các nhà quy hoạch nên tính trước việc: “Khi Việt Nam chuyển sang mức thu nhập cao hơn thì các dịch vụ sẽ phải tập trung vào chất lượng”.
Cải thiện hạ tầng đường sá để liên kết với các vùng lân cận là rất cần thiết. |
Cả nước hiện có 755 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 30,5%, tăng bình quân khoảng 3,4%/năm. Theo tổng điều tra dân số tháng 4/2009, cả nước có 85,8 triệu người, trong đó có 25,4 triệu dân đô thị, chiếm 29,6% dân số cả nước. Đến tháng 8/2011, dân số đô thị tăng lên hơn 38 triệu người,chiếm hơn 43% dân số cả nước, trong đó dân số nội thị là hơn 27 triệu người, chiếm hơn 31%. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Tăng trưởng bình quân của các khu vực đô thị từ 12% - 15%, gấp 1,5 đến hai lần trung bình cả nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.