Kinh tế

Hút vốn đầu tư phát triển điện khí LNG

Minh Tiến 20/12/2023 - 06:41

Phát triển nhiệt điện khí, cả tự nhiên và LNG (Liquefied Natural Gas - khí tự nhiên hóa lỏng), là hướng đi tất yếu, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng… Do đó, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách để thu hút mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

dien-khi-lng.jpg
Dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (tỉnh Đồng Nai) là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lộc

Hướng đi tất yếu

Trong khuôn khổ diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tương đối đa dạng gồm thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí (gồm khí tự nhiên và LNG), nhiệt điện dầu, điện mặt trời, điện gió… Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng mỗi năm, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.

Trong thời gian gần đây, năng lượng điện gió và năng lượng điện mặt trời đã được khai thác sử dụng nhiều. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, không ổn định theo thời gian, mùa vụ. Vì thế, phát triển nhiệt điện khí, cả tự nhiên và LNG, là hướng đi tất yếu, bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.

LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, có thành phần chủ yếu là methane. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ... Do đó, phát triển ngành công nghiệp khí LNG sẽ bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.

Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025.

Theo tính toán từ thực tế, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Làm gì để thu hút vốn đầu tư phát triển điện khí LNG?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.

Về phát triển hạ tầng, cần đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà máy sản xuất điện khí. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD; cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hút vốn đầu tư phát triển điện khí LNG

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.