Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển điện hạt nhân: Truyền thông cần đi trước một bước

Trà My| 28/11/2014 06:33

(HNM) - Là một quốc gia có diện tích tương đương Việt Nam nhưng dân số Phần Lan hiện chỉ khoảng 5,5 triệu người. Quốc gia Bắc Âu này đang xây dựng cho mình một nền công nghiệp điện hạt nhân (ĐHN) đầy tham vọng.


Xung quanh câu chuyện này, bà Tiina Tigerstedt - Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế, Công ty ĐHN Fennovoima đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển ĐHN tại Phần Lan với phóng viên Báo Hànộimới bên lề diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân khu vực Châu Á vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Người dân xem bản đồ quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ảnh: Lê Trường



- Bà có thể giới thiệu khái quát về tình hình phát triển lĩnh vực này ở Phần Lan hiện nay?

- Hiện điện năng tiêu thụ hằng năm theo đầu người của Phần Lan vào khoảng 18.000 kWh (Việt Nam là 1.140 kWh). Chúng tôi không có năng lượng dầu hay khí, trong khi thủy điện đã tối đa hóa hết mức và không phát triển được nữa. Vì lý do đó, Phần Lan đã sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện từ nhiều thập niên trước và đây là một phần quan trọng trong chiến lược chống biến đổi khí hậu quốc gia. Bốn lò phản ứng hiện đang hoạt động của Phần Lan với tổng công suất khoảng 2.700 MW, nằm trong những lò hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Hiện lò thứ 5 đang xây, lò thứ 6 sẽ sớm được khởi công và lò thứ 7 đã nằm trong tính toán. Tỷ trọng ĐHN trong sản lượng điện của Phần Lan hiện là 27% và Chính phủ có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên.

- Quá trình phát triển công nghiệp ĐHN ở Phần Lan có gặp trở ngại từ cộng đồng hay không?

- Sự đồng thuận trong dư luận ở Phần Lan về vấn đề này là tương đối khả quan. Hơn một nửa dân chúng đồng tình với ĐHN. Chính sách năng lượng ở Phần Lan rất nhất quán, do đó, sẽ không có câu hỏi nào đặt ra như: Liệu chúng ta có nên phát triển ĐHN hay không? Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp phải những ý kiến không đồng tình. Hóa giải bài toán này, quan trọng nhất là luôn cởi mở, minh bạch thông tin tuyên truyền đến cộng đồng, luôn sẵn sàng với tất cả câu hỏi. Điều đó đồng nghĩa chúng ta phải thông tin về công nghệ, tính an toàn, năng lực chuyên gia, luôn lặp lại các thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của ĐHN đối với sự phát triển của quốc gia.

- Sau sự cố tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng "văn hóa an toàn ĐHN" là rất cần thiết khi phát triển lĩnh vực này. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp hạt nhân. Cốt lõi của nó là sự không ngừng chuẩn hóa, liên tục cải tiến, phát triển, luôn hướng đến những công nghệ vượt trội hơn. Nếu có bất kỳ sự cố nào trên thế giới, cần phải phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm, từ đó định hướng phải làm gì và phòng tránh như thế nào...

Theo tôi, để xây dựng "văn hóa an toàn ĐHN" thì câu chuyện thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Người dân phải hiểu được về những gì đã diễn ra, tác động của nó, rủi ro của ĐHN và đem so sánh, cân nhắc với nhu cầu điện mà họ luôn cần, để thấy chúng ta có thể làm gì để phát triển ĐHN tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần thông tin về những hạn chế và rủi ro của tất cả các dạng phát điện khác để công chúng có sự nhìn nhận một cách công bằng. Mục tiêu của vấn đề này là làm thế nào trong tương lai chúng ta có thể sử dụng ĐHN an toàn và hiệu quả hơn.

- Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng hai nhà máy ĐHN công suất khoảng 4.000 MW trong tương lai gần, bà có chia sẻ gì với chúng tôi trong vấn đề này hay không?

- Lời đầu tiên, xin chúc mừng Việt Nam vì đã đưa ra một quyết định rất có trách nhiệm, dựa trên lựa chọn ĐHN, vì điều này giúp chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều năm của Phần Lan, ĐHN sẽ góp phần phát triển đời sống xã hội của đất nước. Các bạn đã có những bước chuẩn bị tích cực và hãy tiếp tục làm tốt các công việc tiếp theo. Các bạn cũng đã quan tâm chú ý đến các bên liên quan tham gia dự án và đã chú ý đến truyền thông. Điều tôi muốn nói là các bạn hãy thông tin tuyên truyền thường xuyên với tất cả các bên liên quan của dự án không chỉ trong giai đoạn đầu mà trong toàn bộ vòng đời của nhà máy ĐHN. Thông tin tuyên truyền là vô cùng quan trọng, cần đi trước một bước.

- Xin cảm ơn bà!

Nga đã hoàn thành nghiên cứu khả thi Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1

Đây là chia sẻ của ông Nikolay Drozdov, Giám đốc khối Kinh doanh quốc tế (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga - ROSATOM) tại diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân khu vực Châu Á. Ông N.Drozdov cho biết thêm, khoảng 10.000 trang tài liệu đã bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 10 để chủ đầu tư nộp cho Hội đồng thẩm định Nhà nước. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ tiến tới quá trình thiết kế và xây dựng.

Trong khi đó, TS Trần Chí Thành (Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết: Nếu để đánh giá toàn bộ báo cáo thì có lẽ Việt Nam chưa đủ năng lực, nhưng có thể tham gia một phần. Quá trình cùng làm việc với tư vấn nước ngoài sẽ là quá trình đào tạo tốt nhất. Việc thẩm định đánh giá khả thi là cần thiết nhưng chưa phải bước cuối cùng. Đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật sẽ phải làm lại tất cả những báo cáo đó để xin cấp phép xây dựng. Quá trình đó còn quan trọng và chi tiết hơn nhiều và có thể thay đổi so với đánh giá ban đầu vì thực hiện đối với thiết kế chi tiết tại địa điểm cụ thể.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện hạt nhân: Truyền thông cần đi trước một bước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.