Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển điện hạt nhân: Trọng tâm chuyển dịch về Châu Á

Hương Chi| 01/10/2015 06:52

(HNM) - Đây là nhận định của Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Sergey Kirienko tại Diễn đàn Kinh tế Saint Peteburg (Nga) diễn ra mới đây. Cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran và Ấn Độ đang đi đầu trong việc phát triển năng lượng nguyên tử trên toàn cầu.



Các nước đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… cũng đang trên lộ trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN).

Dẫn đầu về số lò phản ứng đang thi công

Theo Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA), tính đến tháng 9-2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng ĐHN, sản lượng ĐHN năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất ra của nước này. Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về số nhà máy ĐHN đang xây dựng mới, với 25 nhà máy. Một cường quốc ĐHN khác ở Châu Á là Hàn Quốc cũng đang vận hành 23 lò phản ứng phát điện, với sản lượng chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện thương phẩm. Nước này cũng đang xây dựng 5 lò phản ứng mới và 4 lò đã được lên kế hoạch. Seoul cũng chính là đối tác được lựa chọn xây dựng 4 tổ máy ĐHN tại UAE với giá trị hợp đồng lên tới 20 tỷ USD. Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ hai thế giới Ấn Độ sau khi đưa vào vận hành cơ sở ĐHN Kudankulam đã và đang xúc tiến xây nhà máy mới tại bang Andha Pradesh.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao.


Theo một báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), từ nay tới năm 2030, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành tâm điểm trong việc mở rộng năng lượng hạt nhân của toàn thế giới, bất chấp vụ tai nạn tại Nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi năm 2011 có tác động tiêu cực đến tình hình chung. Nhà phân tích năng lượng hạt nhân của IAEA Alan McDonald cho rằng, các yếu tố như nhu cầu năng lượng tăng cao, an ninh năng lượng và những quan ngại về môi trường suy thoái đang mở đường cho sự phát triển ĐHN ở Châu Á. "Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đang bùng nổ kinh tế, bùng nổ dân số và tăng nhanh nhu cầu năng lượng. Họ hiển nhiên cần phát triển toàn bộ nguồn năng lượng của mình ở mức có thể. Tới nay, sản lượng ĐHN chỉ chiếm một phần nhỏ, 2% ở Trung Quốc, 3% ở Ấn Độ. Song Trung Quốc đã có kế hoạch tăng 5 lần tỷ trọng đó vào năm 2020 và Ấn Độ là 8 lần đến năm 2022", Alan McDonald cho biết.

Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, vấn đề phát triển ĐHN không phải vì lý do bùng nổ dân số mà do sự thiếu hụt và cạn kiệt năng lượng hóa thạch và nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện triều…) có suất đầu tư lớn. Do đó, với hai quốc gia này, năng lượng hạt nhân trở nên vô cùng hấp dẫn khi xét đến lý do an ninh năng lượng. Đặc biệt với Nhật Bản, yêu cầu giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng cũng là một lý do quan trọng để lựa chọn phát triển ĐHN. Sau khi phải ngừng toàn bộ hoạt động các nhà máy ĐHN sau sự cố tháng 3-2011 để xem xét lại các yếu tố kỹ thuật và đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, mới đây Nhật Bản đã bắt đầu tái khởi động lại các tổ máy phát ĐHN đầu tiên. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Indonesia và Thái Lan cũng đã có những bước đi đầu tiên nhằm tiến tới phát triển ĐHN để giải tỏa sức ép về tiêu thụ điện ngày càng cao.

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc

Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh và phát triển ROSATOM, trên 90% nhu cầu đối với năng lượng hạt nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác không thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế. Trong những thập kỷ tới, chính các nước Châu Á sẽ góp phần gia tăng công suất phát điện. Theo ước tính của ROSATOM, tổng công suất lắp đặt tại các nhà máy ĐHN trong khu vực sẽ tăng 2,8 lần đến năm 2030, từ 84 GW năm 2010 lên 237 GW vào năm 2030.

Việc xây dựng mới hàng loạt các nhà máy mới trong khu vực cũng kéo theo cuộc "chạy đua" giữa các cường quốc về công nghệ ĐHN nhằm sở hữu những bản hợp đồng hàng tỷ, thậm chí cả chục tỷ USD liên quan đến xây lò phản ứng mới, đào tạo nhân lực, cung cấp và xử lý nhiên liệu... Trong đó, công nghệ của Nga, Nhật Bản, Mỹ và Pháp đang chiếm ưu thế, được nhiều quốc gia lựa chọn. Những nước mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chọn phân khúc thị trường ở khu vực Trung Đông và Châu Phi để xuất khẩu công nghệ ĐHN.

Ông Kirill Koramov cho biết thêm, ở Châu Á ROSATOM đang thực hiện các dự án xây dựng 10 lò phản ứng phát điện: 2 lò ở Trung Quốc, 4 lò ở Ấn Độ, 2 lò ở Việt Nam và 2 lò ở Bangladesh. Không nghi ngờ gì, ROSATOM có kế hoạch tiếp tục mở rộng danh mục các đơn đặt hàng ở các nước Châu Á, trọng tâm là Đông Nam Á. Năm 2012, ROSATOM đã mở một văn phòng tiếp thị ở Singapore, hoạt động phát triển kinh doanh của đơn vị này hiện rất ổn định.

Song hành với các kế hoạch phát triển ĐHN là không ít những lo ngại từ cộng đồng các nước Châu Á về tính an toàn, đặc biệt là trước nguy cơ thiên tai. Nhưng thực tế cho đến nay, ĐHN vẫn chứng tỏ là một loại năng lượng đáng tin cậy để thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch bị chỉ trích vì trong quá trình hoạt động đã gây tác hại to lớn cho môi trường và sức khỏe con người. Do đó, vấn đề quan tâm lúc này là làm thế nào để sử dụng ĐHN một cách an toàn và hiệu quả nhất chứ không phải là "đóng cửa" với ĐHN như một số cá nhân, tổ chức đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện hạt nhân: Trọng tâm chuyển dịch về Châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.