Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương công bố, Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80%, còn Việt Nam chỉ khoảng 10-40%.
Sáng 12-3, Báo Người lao động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Giải pháp để ngành Du lịch tạo đột phá”. Theo Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân, tọa đàm nhằm tập hợp các ý kiến về giải pháp thu hút và "giữ chân" khách du lịch.
Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương công bố, Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80%, còn Việt Nam chỉ khoảng 10-40%. Việt Nam gây ấn tượng với khách quốc tế bởi nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng nhưng đa phần du khách chỉ đến một lần.
Về nguyên nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nêu vấn đề: Chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Hay như vấn đề quy hoạch hiện nay cũng khá mơ hồ với thực tế đặt ra…
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ, ngành Du lịch thành phố nhận thấy công tác truyền thông, quảng bá ở nước ngoài rất tốt, đặc biệt chính sách visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Sở Du lịch thành phố đã tận dụng truyền thông, đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trước khi chính sách được đưa ra nên hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ. Nay cần thiết phải tăng cường hợp tác, đổi mới hơn nữa để ngành Du lịch gặt hái nhiều kết quả tốt hơn.
Cùng chung mục tiêu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh thông tin, năm 2024, ngành Du lịch Hà Nội phấn đấu đạt trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023. Để đạt được những mục tiêu đề ra, Sở đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024, ưu tiên một số nhóm giải pháp đột phá như phát triển điểm đến, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Tiktok...; đẩy mạnh số hóa một số điểm du lịch di tích, làng nghề trọng điểm của Hà Nội.
Chia sẻ tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho hay, ngành Du lịch cần thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như quy hoạch ngành Du lịch giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn năm 2045 trình Thủ tướng phê duyệt; tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh, bền vững; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước; phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn; tăng cường chuyển đổi số phát triển du lịch.
“Hy vọng năm 2024, ngành Du lịch sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Đồng thời, hướng đến mục tiêu năm 2030, Việt Nam đón 50 triệu khách quốc tế, 1 trong 30 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới”, ông Nguyễn Trùng Khánh kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.