Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Thanh Hiền| 03/01/2018 07:39

(HNM) - Năm 2017, ngành Công Thương Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng trong sản xuất, công nghiệp, thương mại, đặc biệt xuất khẩu là một trong 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch của thành phố.

Điểm sáng xuất khẩu

Trong một năm qua, ngành Công Thương Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp đã chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực tiết kiệm vật tư, nguyên nhiên liệu, chi phí, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và đổi mới công nghệ, thị trường... Nhờ vậy, lĩnh vực công nghiệp của thành phố đã tăng trưởng tích cực.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có mức tăng trưởng mạnh của Hà Nội trong năm 2017.
Ảnh: Thái Hiền


Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt gần 500.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016. Trong đó có nhiều ngành tăng trưởng mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện... Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn cũng ổn định, lượng hàng dồi dào, giá cả thị trường được kiểm soát, không để xảy ra tình trạng khan hàng hoặc tăng giá đột biến. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt 2.373 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3%. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2017 đã đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%. Đây là một trong 6 chỉ tiêu phát triển của thành phố vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt hơn 9,8 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái.

Để có được kết quả trên, Sở Công Thương tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Sở đã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên từng lĩnh vực quản lý, xác định rõ nội dung, tiến độ cho từng phần việc để chỉ đạo triển khai tích cực nên đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tạo động lực, mục tiêu mới cho năm 2018

Một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công; ưu tiên tập trung phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn…; tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Cụ thể, Sở Công Thương sẽ xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội tới năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 có xét đến 2025...

Trong mảng tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển các làng nghề có sản phẩm tiêu thụ lớn, tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao. Đồng thời, tiếp tục xét chọn công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống, tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, sửa đổi những chính sách về phát triển làng nghề cho phù hợp và hiệu quả hơn. Hà Nội cũng tập trung tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển các cụm công nghiệp với phát triển doanh nghiệp dân doanh. Song song với rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nắm bắt tình hình và giải quyết những khó khăn của các khu, cụm công nghiệp này.

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kiểm soát lạm phát, ổn định cung - cầu hàng hóa; phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm; hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.