Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chuỗi thịt lợn an toàn: Gia tăng giá trị sản phẩm

Ngọc Quỳnh| 07/09/2020 06:51

(HNM) - Để thúc đẩy tăng trưởng, tăng nguồn cung cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường thì việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc này không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh mà còn giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị và tạo ra sản phẩm an toàn. Dù hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn thời gian qua, tuy nhiên, để phát triển các chuỗi thịt lợn an toàn rất cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù.

Công nhân kiểm tra sức khỏe đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Tăng 15-20% giá trị sản phẩm

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuỗi thịt lợn an toàn đã, đang chứng minh hiệu quả. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết: Để bảo đảm nguồn cung cho 124 điểm bán thực phẩm sạch tại các quận trên địa bàn Hà Nội và 10 cửa hàng ở một số tỉnh, thành phố, công ty đã ký hợp đồng với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn. Với chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, công ty chủ động được nguồn cung sản phẩm cho khách hàng và giữ giá luôn ở mức ổn định.

Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh, hộ chăn nuôi tham gia chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Liên Việt (huyện Phúc Thọ) thông tin: Hiện nay, với quy mô chăn nuôi thường xuyên khoảng 200 con lợn thương phẩm, hằng ngày gia đình ông cung cấp cho thị trường 200kg thịt bảo đảm an toàn thực phẩm với thương hiệu “Thịt lợn sinh học Phúc Thọ”. Với việc sản xuất theo chuỗi liên kết, người chăn nuôi chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm, không còn tình trạng “được mùa mất giá”.

Đánh giá về hiệu quả của các chuỗi thịt lợn an toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho hay: "Toàn thành phố hiện có 53 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, trong đó chuỗi thịt lợn an toàn chiếm khoảng 80%. Việc liên kết chuỗi đã giảm chi phí sản xuất, ổn định giá bán trên thị trường, tạo ra các sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích...".

Về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng, sản xuất thịt lợn theo chuỗi giá trị an toàn không những kiểm soát được dịch bệnh mà còn giảm khâu trung gian (đang chiếm hơn 42% giá thành sản phẩm) nên chi phí đầu vào giảm và giá trị sản phẩm tăng 15-20%. Như vậy, việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các chuỗi chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt lợn an toàn vẫn còn nhiều rào cản như: Nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất; một số chuỗi do mới liên kết chưa xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm nên người tiêu dùng chưa yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Vinh Anh Bùi Quang Vinh, doanh nghiệp chưa thể mở rộng hệ thống cửa hàng để phát triển chuỗi vì kinh phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng từ 100 đến 300 triệu đồng, chưa kể tiền thuê gian hàng.

Để hình thành các chuỗi thịt lợn an toàn, ông Nguyễn Đình Tường, hộ chăn nuôi tham gia chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai kiến nghị: "Các ngành chức năng cần hỗ trợ người chăn nuôi về vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời kết nối với doanh nghiệp giúp bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, cần hỗ trợ người chăn nuôi tiền thuê cửa hàng trong thời gian đầu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng". 

Đồng tình với quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ về con giống; cho vay vốn ưu đãi đối với các cơ sở đầu tư chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Đặc biệt, phải thực hiện liên kết ngang, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sau đó liên kết với doanh nghiệp nhằm giảm giá thành đầu vào, tăng giá bán.

Hiện ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện mục tiêu phát triển các chuỗi thịt lợn an toàn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Cùng với việc tham mưu cho thành phố có chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ lựa chọn các doanh nghiệp làm đầu tàu, có khả năng đầu tư lâu dài, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi...

Phát huy hiệu quả, nhân rộng các chuỗi thịt lợn an toàn không chỉ bảo đảm nguồn cung cho thị trường, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới một nền chăn nuôi bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chuỗi thịt lợn an toàn: Gia tăng giá trị sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.