(HNM) - Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, trong 5 năm qua, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng được hàng trăm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là tiền đề thuận lợi để chương trình tiếp tục được mở rộng, từ đó bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định, chất lượng cho người tiêu dùng Thủ đô.
Xây dựng được 786 chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn
Tham gia Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, thời gian qua, các doanh nghiệp và địa phương đã nỗ lực đưa thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở Thủ đô. Là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình, chuỗi lúa gạo của Công ty TNHH Toản Xuân (tỉnh Nam Định) hằng năm đưa ra thị trường 5.000-7.000 tấn, trong đó có khoảng 45-50% sản lượng tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. "Từ việc tham gia chuỗi liên kết, công ty không chỉ quản lý được vật tư đầu vào mà còn chủ động được đầu ra của sản phẩm", ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho hay.
Trong khi đó, hiện tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 100 chuỗi liên kết cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Trung bình mỗi năm các chuỗi này cung cấp cho Hà Nội khoảng 200 tấn rau hữu cơ; 2.500 tấn thịt lợn; 1.000 tấn thịt gà; 500 tấn thịt bò... Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài nhấn mạnh: "Các chuỗi liên kết của tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng việc đa dạng chủng loại sản phẩm và bảo đảm chất lượng để giữ vững uy tín với người tiêu dùng Thủ đô".
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng được 786 chuỗi với 670 điểm bán sản phẩm, trong đó riêng Hà Nội xây dựng được 141 chuỗi. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn cho Thủ đô không chỉ bảo đảm trong điều kiện bình thường mà chủ động cả khi xảy ra dịch Covid-19. Mặt khác, việc này còn tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố quy hoạch và định hướng được vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời, chủ động được khâu giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi liên kết
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc xây dựng chuỗi thực phẩm cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng nhìn nhận, việc quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ. Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp, sự liên kết còn thiếu bền vững...
Hơn nữa, theo ông Dương Thế Mạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (tỉnh Quảng Ninh), là đơn vị sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đã tham gia chuỗi cung ứng cho thị trường Hà Nội, nhưng sản phẩm của công ty ít cơ hội xúc tiến thương mại với các nhà phân phối.
Để các chuỗi cung cấp thực phẩm phát triển ổn định, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho rằng, các tỉnh, thành phố tham gia chuỗi, nhất là Hà Nội cần tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ quảng bá giới thiệu đặc sản vùng, miền để doanh nghiệp thêm cơ hội gặp gỡ, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ở góc độ tổng thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cần tạo cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chuỗi liên kết. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát vật tư đầu vào, cây, con giống, quy trình canh tác, cơ sở phân phối và tổ chức có hệ thống chặt chẽ. Cùng với đó là rà soát các trung tâm, phòng xét nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy, hải sản bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, từ việc thuê đất sản xuất, ký kết hợp đồng với nông dân đến tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất; triển khai các chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cung cấp cho Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.