(HNM) - Nhiều năm qua, Đại đức Thích Thanh Nguyện cùng các phật tử chùa Linh Ứng (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) đã dành trọn tâm nguyện đến vùng sâu, vùng xa, những nơi bị lũ lụt tàn phá để sẻ chia khó khăn, vất vả với người dân.
Đại đức Thích Thanh Nguyện trong một lần đi từ thiện về với đồng bào vùng lũ. |
1. Chùa Linh Ứng có không gian trang nghiêm và ấm cúng. Một dãy phòng khang trang trong khuôn viên chính của chùa là nơi được Đại đức Thích Thanh Nguyện dành làm phòng khám Đông y. Được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Từ Liêm và Hội Đông y, phòng khám ở chùa Linh Ứng hoạt động với phương châm "luôn hết lòng vì người bệnh nghèo". Ông Phạm Văn Việt, người gắn bó với ngôi chùa và phòng khám nhiều năm cho biết: "Đại đức Thích Thanh Nguyện đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho phòng khám hoạt động, từ địa điểm đến các dịch vụ điện, nước... Chúng tôi luôn được Đại đức răn dạy những điều hay, lẽ phải, những việc mà người thầy thuốc nên làm cho người bệnh". Phòng khám Đông y hoạt động trên tinh thần từ thiện nên những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh, châm cứu, bấm huyệt, cấp phát thuốc miễn phí; những bệnh nhân có điều kiện hơn thì được khám miễn phí, chỉ phải trả tiền thuốc nhưng rẻ hơn phòng khám bên ngoài.
Trong khuôn viên khoáng đạt của chùa Linh Ứng, nơi ở và làm việc của Đại đức Thích Thanh Nguyện nằm khiêm tốn giản dị như chính con người thầy. Căn phòng làm việc nhỏ gọn, mọi thứ được sắp đặt ngăn nắp với những cuốn sách về Phật giáo. Đại đức nói, ông đọc sách, nghe lời răn dạy của Phật, lời dạy của Bác Hồ, luôn cố gắng làm việc có ích, tránh xa làm việc xấu.
2. Năm 1989 rời làng đào Nhật Tân xuất gia tu hành khi mới 12 tuổi, chú tiểu Thích Thanh Nguyện gắn bó ngay với mái chùa Linh Ứng và được sư ông Thích Chính Trí hết lòng dạy bảo. Cuộc sống tu hành nhiều vất vả nhưng không làm nản lòng chú tiểu tâm luôn hướng Phật. Thời gian trôi đi, khi sư thầy Thích Chính Trí lâm tịch, đệ tử kế đăng thiền môn - Đại đức Thích Thanh Nguyện đã vinh dự tiếp nối trụ trì chùa Linh Ứng. Đại đức Thích Thanh Nguyện xúc động nói với chúng tôi: "Sư ông căn dặn, làm trụ trì ở ngôi chùa là di tích lịch sử cách mạng luôn phải giữ khí tiết, hoạt động theo phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Đại đức cũng kể lại trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, chùa Linh Ứng là nơi đóng quân của bộ đội ta. Các sư thầy trụ trì trong chùa cũng tích cực tham gia kháng chiến. Bản thân sư thầy Thích Chính Trí là thành viên đội biệt động trong thời kỳ chống Pháp và từng bị địch bắt tù. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp, những năm qua, chùa Linh Ứng trở thành trường hạ, nơi tụ hội hàng trăm chư tăng, phật tử phía tây Thủ đô hằng năm về học tập, nghiên cứu và tu hành.
Trên hành trình xuất gia tu học, bên cạnh tâm niệm đóng góp tâm nguyện với Phật pháp, Đại đức Thích Thanh Nguyện còn tích cực giúp đỡ người nghèo và các cháu học sinh nghèo học giỏi. Kể về những việc làm từ thiện từ miền Trung lên miền Tây Bắc, Đông Bắc, thầy Thích Thanh Nguyện nhớ nhất những ngày đến với đồng bào bị lũ lụt ở huyện Phong Điền và A Lưới (Thừa Thiên Huế) vào năm 2008. "Tôi vẫn chẳng thể quên được hình ảnh đoàn cứu trợ đến gặp những người dân lam lũ, họ trắng tay vì nhà cửa, ruộng vườn bị cuốn phăng bởi nước lũ. Những khuôn mặt hốc hác, bơ phờ nở nụ cười yếu ớt..." - thầy Nguyện trầm ngâm một hồi, nói tiếp: "Chuyến đi làm từ thiện ở Huế là xa nhất và tiến hành trong bối cảnh gấp gáp vì mưa lũ đến quá đột ngột. Dù khó khăn, vất vả nhưng hạnh phúc nhất là chuyến đi đã thành công nhờ sự chung sức, chung lòng từ nhà chùa đến các phật tử". Trong chuyến đi từ thiện này, Đại đức và các phật tử đã trao 400 suất quà (trị giá 300.000 đồng/suất) cho người dân vùng lũ, đồng thời trực tiếp đến thăm 10 gia đình thương binh, liệt sĩ ở huyện Phong Điền.
Thầy Thích Thanh Nguyện luôn tâm niệm: "Nếu không xuất gia tu hành thì sẽ không học được những triết lý nhân sinh quan về luật nhân quả, thấu hiểu tình thương, nhân ái và giúp con người hạn chế bớt ích kỷ, từ bỏ tham, sân, si... để sống nhân hòa, hướng thiện". Chuyến đi từ thiện tại tỉnh Điện Biên cũng là một kỷ niệm khó quên với Đại đức Thích Thanh Nguyện. Đó chính là hình ảnh dòng suối Nậm Pồ thuộc xã Na Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nơi mà vào năm 2014 rộ lên câu chuyện giáo viên chui túi ni lông để qua suối vào mùa nước lũ đến trường dạy học. Đại đức thuật lại: "Chúng tôi đến Na Hỳ vào năm 2012, khi ấy mùa nước cạn, qua suối Nậm Pồ cả đoàn phải lội bộ để chuyển hàng là gạo, sách vở, chăn, màn... sang với đồng bào ở bên kia bờ". Trong tâm tưởng của thầy Nguyện, đời sống đồng bào vùng cao thật khó khăn và với những vùng heo hút như Na Hỳ cần sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của xã hội.
Cảm thông trước những hoàn cảnh khó khăn của đồng bào các dân tộc, vào cuối năm 2012 và đầu năm 2015, thầy Nguyện cùng các phật tử chùa Linh Ứng tiếp tục về tỉnh Điện Biên hai lần nữa và mang theo quà, tiền với tổng giá trị hỗ trợ gần 500 triệu đồng. Một chuyến đi khác là lên huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vào năm 2014 cũng để lại nhiều tâm tư, như lời thầy nói, "có tiền, có gạo, có quà bánh rồi nhưng để đến trao tận tay cho người dân không phải chuyện dễ". "Có điểm tặng quà chúng tôi phải chuyên chở từ ô tô, đến xe công nông, rồi đi bộ tới 2 giờ đồng hồ mới đến được với người dân". Quan điểm của thầy Thích Thanh Nguyện là mong muốn đem đến tận tay những thứ mà người nghèo cần. Trước mỗi chuyến từ thiện, Đại đức đều liên hệ với chính quyền địa phương nơi đến cũng như tìm hiểu mong muốn của những đối tượng khó khăn để chuẩn bị quà tặng phù hợp và thiết thực nhất. "Vì vậy dù xa, dù khó chúng tôi cũng phải đến cho kỳ được" - Đại đức quả quyết.
3. Bên cạnh việc làm từ thiện, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" như tổ chức phật tử thắp hương tri ân Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hà Nội vào các dịp 27-7 hằng năm; tổ chức đại lễ cầu siêu cho các vong linh anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Khe Sanh, Nghĩa trang Đường 9 Nam Lào... cũng được Đại đức Thích Thanh Nguyện tổ chức thường xuyên với lòng thành kính. Thời điểm đầu tháng 8-2015 khi chúng tôi đến thăm chùa Linh Ứng, thầy Nguyện đang tích cực phối hợp với phường để hỗ trợ 100 triệu đồng cho hai gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở.
Chủ tịch UBND phường Xuân Phương Đỗ Hồng Nhung cho biết, những việc làm của Đại đức Thích Thanh Nguyện được phật tử, chính quyền và nhân dân trong phường ghi nhận và đánh giá cao. Bằng thực tế trong sinh hoạt và uy tín của một chức sắc Phật giáo, Đại đức đã vận động tín đồ phật tử và nhân dân địa phương, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái; 100% gia đình phật tử cam kết với nhà chùa không vi phạm các quy định về chính sách dân số, luật hôn nhân và gia đình, đoàn kết giúp đỡ nhau chia sẻ kinh nghiệm làm giàu… Thầy Thích Thanh Nguyện cũng hướng dẫn phật tử không tổ chức ăn uống trong đám tang, ưu tiên hình thức hỏa táng, không sử dụng vàng mã gây lãng phí và mất vệ sinh môi trường nên đến nay 80% các đám tang mà người quá cố là người nhà của tín đồ phật tử trong chùa đã thực hiện tốt các nội dung trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.