Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát lộ tảng băng chìm

Thế Phương| 10/09/2012 06:18

(HNM) - Bộ Tài chính vừa tiến hành thanh tra hàng tạm nhập tái xuất tại các cửa khẩu trọng điểm như Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và tổ chức một số cuộc điều tra chống buôn lậu. Kết quả các cơ quan chức năng thu được và công bố có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng đã cho thấy nhiều vấn đề rất đáng lo ngại.


Theo Tổng cục Hải quan, mới qua kiểm tra tại hai đầu mối chính là Hải Phòng, Lạng Sơn, đã phát hiện 167/277 container có vi phạm phải tịch thu. Trong số này, có 33 container hàng nội tạng động vật đông lạnh. Số còn lại là hàng cấm, ắc quy chì, rác thải... Số liệu từ ngành hải quan cũng khẳng định khoảng 500-600 container cỡ 40 feet có vi phạm đang nằm trong nội địa. Từ những con số này có thể hình dung hàng loạt vấn đề bấy lâu như những tảng băng chìm trong hoạt động xuất nhập khẩu. Rất có thể lượng hàng vi phạm trên thực tế sẽ nhiều hơn so với con số thống kê và tỷ lệ thuận với nó là những hệ lụy cho nền kinh tế và cả xã hội.

Một container 40 feet ắc quy chì đã qua sử dụng tác hại thế nào đối với môi trường liệu có thể đo đếm chính xác? Ai chịu trách nhiệm về nguồn ô nhiễm này? Số lượng nội tạng động vật hết thời hạn bảo quản nhưng vẫn được đưa vào Việt Nam sẽ phải tính thế nào? Ai sẽ xử lý? Nếu lượng hàng này không tái xuất mà chảy vào thị trường, hậu quả sẽ ra sao?

Một vị lãnh đạo ngành hải quan bức xúc: Nếu tiếp tục cho phép tạm nhập tái xuất những loại hàng hóa đã bị các nước cấm, chúng ta sẽ trở thành bãi rác thải. Bức xúc này là một lời cảnh báo và không chỉ có vậy.

Tình trạng gian lận trong tạm nhập tái xuất diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó tạm nhập tái xuất trong lĩnh vực xăng dầu từ lâu đã là vấn đề "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngành hải quan cho biết đang làm rõ sai phạm của các doanh nghiệp đầu mối và sẽ có thông tin cụ thể về lượng xăng dầu tạm nhập về nhưng không tái xuất của từng doanh nghiệp trong thời gian qua… Tảng băng chìm dần lộ rõ, và đó sẽ là câu trả lời cho hiện tượng kim ngạch tạm nhập tái xuất gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Mức tăng cụ thể theo một kết quả thống kê: Năm 2006 là 1,3 tỷ USD, đến năm 2011 đã tăng lên 6,3 tỷ USD và 6 tháng năm 2012 đã là 3,8 tỷ USD. Trong vòng 5 năm tăng gần 5 lần - một con số bất thường.

Vì sao có tình trạng trên? Theo nhận định của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là có kẽ hở trong cơ chế chính sách. Ví dụ, có những mặt hàng các nước khác cấm hoặc hạn chế tạm nhập tái xuất nhưng Việt Nam lại không cấm như rác thải độc hại, linh kiện điện tử qua sử dụng... Hay như theo thông lệ quốc tế, hoạt động này phải thực hiện theo hai hợp đồng là hợp đồng tạm nhập và hợp đồng tái xuất, nhưng quy định hiện nay chỉ cần có một hợp đồng tạm nhập mà không có hợp đồng tái xuất…

Bộ Tài chính đã bắt đúng "bệnh" và có những kiến nghị cụ thể như đề nghị Bộ Công thương cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với các chất thải nguy hại (ắc quy chì, vi mạch điện tử, nhựa phế liệu phế thải, hóa chất...) là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo Công ước quốc tế; ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc gia cầm; chấm dứt tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu bằng đường biển… Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách thì không thể phòng chống một cách hiệu quả.

Chính sách thông thoáng và những kẽ hở trong quy định về tạm nhập tái xuất đã vẽ đường cho các doanh nghiệp lách luật, làm ăn gian lận, để lại hệ lụy cho nền kinh tế và cả xã hội. Điều này cần khẩn trương chấn chỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát lộ tảng băng chìm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.