(HNM) - Hơn 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền và Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực triển khai các chương trình, kế hoạch đưa Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) vào cuộc sống.
Đội ngũ công nhân là lực lượng tiên phong, có đóng góp to lớn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam |
Bài đầu: Thúc đẩy sự tiến bộ
TP Hà Nội xác định, việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ phải đạt mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng. Hơn 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Công đoàn các cấp đã nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của khoảng 2,5 triệu công nhân, lao động cả về đời sống và trình độ, nhận thức.
Đồng hành cùng công nhân, lao động
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, với đặc thù của Thủ đô, ngay sau khi Nghị quyết 20-NQ/TƯ được ban hành, Liên đoàn Lao động thành phố đã tham mưu xây dựng Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội để thực hiện nghị quyết; cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Trong đó, thành phố đã tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.
Để có cuộc sống như hôm nay, chị Nguyễn Thị Quyên (công nhân Công ty TNHH Italian Productions, quận Hà Đông) rất biết ơn các cấp Công đoàn thành phố. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi hai con nhỏ trong ngôi nhà xập xệ nhưng mẹ chồng chị lại không đồng ý cho xây nhà. Vừa hỗ trợ, Công đoàn thành phố và quận Hà Đông vừa cử cán bộ thuyết phục mẹ chồng chị. Nhờ đó, chị được xây nhà mới.
Chị Quyên là một trong số hàng nghìn công nhân có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn đồng hành, giúp đỡ. Thống kê trong 10 năm, từ nguồn “Quỹ Xã hội công đoàn” và các nguồn hỗ trợ khác, Liên đoàn Lao động thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 600 “Mái ấm Công đoàn” với số tiền gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 7 điểm vui chơi cho trẻ em với số tiền 340 triệu đồng; trợ cấp cho gần 130.000 lượt công nhân, viên chức, lao động; tổ chức 2.045 chuyến ô tô miễn phí đưa 135.500 lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết…
"Chúng tôi đã ký kết nhiều chương trình phối hợp công tác với các cấp, ngành chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động; kiểm tra, thanh tra 7.390 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt là hậu kiểm việc nợ đọng bảo hiểm xã hội tại 105 doanh nghiệp, thu được gần 450 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi cho hơn 55.000 lao động" - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Ngô Văn Tuyến cho biết.
Niềm vui của công nhân, lao động chính là động lực để đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đến nay, đã có gần 60% doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động. Hằng năm, Công đoàn phối hợp với UBND thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại với công nhân, cán bộ công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Đã có gần 200 kiến nghị của công nhân và người sử dụng lao động được UBND thành phố tiếp thu, chỉ đạo giải quyết, cải thiện đáng kể đời sống người lao động. Đồng thời, các cấp Công đoàn thành phố đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Không ngừng lớn mạnh
Với quyết tâm chính trị cao trong thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ, ngày 27-2-2012 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Tính từ năm 2013 đến hết năm 2017, toàn thành phố đã phát triển được 2.421 công đoàn cơ sở, nâng tổng số công đoàn cơ sở lên 7.867 (năm 2008 là 5.422 công đoàn cơ sở); số đoàn viên công đoàn tăng từ 408.936 người năm 2008 lên 591.074 đoàn viên.
Tổ chức Công đoàn đã giới thiệu hơn 60.000 đoàn viên ưu tú với Đảng và có hơn 56.700 đoàn viên được kết nạp Đảng (trong 10 năm). Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Hà Nội là một trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Đặc biệt, thành phố đã có nhiều cố gắng để tạo bước tiến về đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước, nhất là những ngành công nghiệp mới; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo; chú trọng đào tạo nghề cho công nhân từ nông dân và nữ công nhân. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Từ thực tiễn phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc. Đã có 254.000 lượt công nhân, lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 18.200 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 895 “Công nhân giỏi Thủ đô”; 10.400 “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở; 879 lượt cá nhân được biểu dương “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: "Thông qua các phong trào đã động viên công nhân, lao động nỗ lực nâng cao trình độ, kỹ năng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước".
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 231.000 doanh nghiệp (tăng hơn 4 lần so với năm 2008), với khoảng 2,5 triệu lao động (tăng 70% so với năm 2008, trong đó công nhân ngoài khu vực nhà nước chiếm 87,5%). Theo quy hoạch được duyệt, thành phố có 19 khu công nghiệp tập trung, đến nay đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với 639 doanh nghiệp, thu hút khoảng 145.937 lao động. Số công nhân đã qua đào tạo chiếm 62% (gấp đôi so với năm 2008). Tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2018 tăng lên mức gần 6 triệu đồng/người/tháng. |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.