Trong khi toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trên một số mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng tải những bài viết, video, clip cắt ghép nhằm bóp méo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng.
Chúng còn tấn công trực diện vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với mục tiêu xuyên suốt là xóa bỏ nền tảng tư tưởng, làm suy yếu rồi tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; chia rẽ Đảng với nhân dân. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và nhất là toàn dân.
1. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã minh chứng, nhân dân có vị trí, vai trò và sức mạnh vô cùng lớn. Dân là gốc, mọi công việc hệ trọng của quốc gia, dân tộc dù khó khăn, phức tạp đến đâu nếu có sự đồng thuận, tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân thì sẽ thành công và ngược lại, nếu thiếu điều đó ắt sẽ thất bại. Bởi thế, các bậc tiền nhân đã đúc kết rằng: “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Hơn nữa, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… Kế thừa truyền thống của dân tộc và thấu triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc”. Người đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, phát huy vị trí, vai trò của nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Tiếp đó, trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có đến 19 lần nhắc đến hai từ “nhân dân”. Trong đó, kết luận này tiếp tục yêu cầu phải “thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Gần đây, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, đã đúc kết một trong những truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu.
2. Từ thực tiễn đó, một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhân dân lại có vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Đó là vì các tầng lớp nhân dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó tạo nên sức mạnh của cả quốc gia, dân tộc trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Hơn nữa, các tầng lớp nhân dân còn là “tai mắt” của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì chỉ có nhân dân, những người luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, tiếp xúc với mọi đối tượng và sử dụng thường xuyên, đa dạng các phương tiện thông tin, truyền thông nên dễ dàng phát hiện, nhận diện được đối tượng, nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhiều người dân khi thấy các thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội đã tỏ rõ quan điểm, thái độ của mình. Nhiều người đã dùng chính những phương tiện cá nhân tự có và sử dụng các mạng xã hội để đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc từ các kênh “truyền thông bẩn”, chủ yếu xuất phát từ nước ngoài, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách Việt Nam lựa chọn và thực hiện trên các lĩnh vực. Ban đầu chỉ là những hành động đơn lẻ của một vài cá nhân, dần dần, do cùng quan điểm và tư tưởng “chống giặc trên không gian mạng”, một số người dân đã đoàn kết, liên kết với nhau một cách tự nguyện, phối hợp cùng đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái và thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động. Họ thuộc nhiều thành phần, giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi, trong đó có cán bộ, công chức, giáo viên, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, bộ đội nghỉ hưu, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước và cả một bộ phận người Việt Nam yêu nước đang sinh sống ở nước ngoài. Vì là trí tuệ tập thể, trí tuệ nhân dân, nhiều người bằng trình độ lý luận, kinh nghiệm hiểu biết thực tiễn, kiến thức lịch sử phong phú vốn có đã phản bác đanh thép các luận điệu xuyên tạc một cách kịp thời, hiệu quả.
3. Có thể nói, thời gian qua, việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm kẽ hở và lợi dụng sự lơ là, mất cạnh giác của ta để tấn công trực diện vào quần chúng nhân dân, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, dao động rồi tiến tới kích động, gây bạo loạn, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác hiệu quả các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bởi thông qua công tác tuyên truyền, vận động sẽ làm cho quần chúng nhân dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng về tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận biết được lực lượng chống phá là ai, nội dung chống phá là gì để đấu tranh hiệu quả.
Hai là, yếu tố quan trọng để nhân dân có thể phát huy vai trò trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thật sự dân là chủ, dân làm chủ, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội được thực hiện ở các cấp, các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; phát huy mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung “nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Ba là, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân; nắm bắt dư luận xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tránh để hình thành điểm nóng. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân, qua đó phát huy tính tự giác, tích cực của nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng Ðảng, xây dựng và bảo vệ các thiết chế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Bốn là, thực hiện nghiêm chế độ cung cấp và định hướng thông tin cho nhân dân và thực thi trách nhiệm tiếp thu, giải trình của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ trước nhân dân. Cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, làm cho nhân dân thật sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Năm là, để quần chúng nhân dân thực sự tin yêu, bảo vệ đến cùng, Đảng phải tiếp đổi mới phương thức lãnh đạo, khẳng định vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của mình đối với Nhà nước và xã hội; xây dựng Đảng thực sự là “Đạo đức”, là “Văn minh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có những giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Các chủ trương, chính sách của Đảng ban hành phải hướng tới nhân dân, “ý Đảng” phải hợp với “lòng dân”, từ đó phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ góc nhìn lịch sử và qua thực tiễn thời đại cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân. Với ý nghĩa đó, việc thực hiện tốt những giải pháp nêu trên là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì dựa vào nhân dân, tin tưởng vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, thống nhất ý chí và hành động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tạo thành “thế trận lòng dân”, “pháo đài vững chắc” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là vấn đề cốt lõi được đúc kết trong hơn 94 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tiếp tục có giá trị trong thời kỳ mới!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.