Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò của hợp tác xã

Đào Huyền| 31/08/2020 07:33

(HNM) - Đổi mới hoạt động, đưa giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng phương án kinh doanh… các hợp tác xã nông nghiệp đang phát huy vai trò, đóng góp lớn trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội.

Chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai).

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban chia sẻ: Năm 2016, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ đó, hợp tác xã liên kết các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm quy mô 10ha theo phương pháp luân canh, vụ xuân trồng khoai tây giống thương phẩm, vụ đông và vụ mùa trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, hơn 50% sản lượng đã được tiêu thụ theo đơn đặt hàng của siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nhận xét: Xác định hợp tác xã là nhân tố chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đến nay, toàn huyện có 31 hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu kinh doanh dịch vụ tưới, tiêu, bảo vệ, thủy lợi, giao thông nội đồng, khuyến nông, dịch vụ làm đất, cung ứng giống, vật tư, thu hoạch, bao tiêu nông sản; một số hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh bán lẻ điện phục vụ nhân dân. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả như: Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải, Hợp tác xã Đại Đồng, Hợp tác xã Dị Nậu… góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.

Là điển hình của huyện Đan Phượng về chăn nuôi, Hợp tác xã Chăn nuôi Trung Châu B đang nuôi hơn 720 con lợn, trong đó có 85 con lợn nái. Giám đốc Hợp tác xã Đỗ Văn Hà cho biết, được thành lập mới năm 2016, đến nay có 41 thành viên tham gia, hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi an toàn, chất lượng cao với 10,86ha, đạt hơn 700 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin: Xác định hợp tác xã nông nghiệp là lực lượng tiên phong, chủ đạo trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, UBND huyện tập trung chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng, chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, phát huy vai trò trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chỉ đạo 100% hợp tác xã nông nghiệp tổ chức đại hội theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, toàn huyện có 29 hợp tác xã nông nghiệp và mô hình hợp tác xã; trong đó, nhiều hợp tác xã đạt hiệu quả kinh tế khá.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, toàn thành phố hiện có 1.151 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.066 hợp tác xã đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố thành lập được 13 hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp đang là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học vào sản xuất; nhiều hợp tác xã xây dựng thành công chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản đạt hàng tỷ đồng/năm, như: Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai); Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng); Hợp tác xã hoa - cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ)…

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” và đẩy mạnh thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò của hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.