Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy truyền thống, làm chủ khí tài

Hồng Linh| 03/04/2015 06:34

(HNM) - Khí thế truyền thống kỷ niệm 50 năm Ngày đánh thắng trận đầu và 60 năm Ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam đã tiếp thêm nghị lực và quyết tâm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Đã quá trưa nhưng trên sân bay trực chiến của Trung đoàn 921, các cán bộ, chiến sĩ vẫn hăng say thao luyện. Thượng tá Hồ Văn Lợi, Chính ủy Trung đoàn cho biết: Ban bay của cán bộ chỉ huy đã được thực hiện. Tuy nhiên, có bay tiếp được không thì lại phụ thuộc vào thời tiết khí tượng. Trò chuyện với các phi công, chúng tôi hiểu, chờ nắng luôn là niềm mong mỏi với mỗi người lính bay. Với họ, trời trong, nắng đẹp luôn là người bạn đồng hành của mỗi chuyến bay huấn luyện. Còn nếu thời tiết không thuận lợi thì tích cực tăng cường huấn luyện mặt đất.

Chuẩn bị cho tiêm kích Su-22 xuất kích tại Trung đoàn Không quân 921. Ảnh: Ngọc Hà


Hơn ba năm trở lại đây, công tác huấn luyện chuyển loại luôn được Trung đoàn 921 quan tâm hàng đầu. Khi đơn vị tiếp nhận máy bay Su-22 để thay cho máy bay MiG-21, xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ phụ thuộc vào việc làm chủ máy bay mới nên cả đơn vị đều quyết tâm cao. Đơn vị cử người vào Trung đoàn 935, 923 học chuyển loại; sau đó là huấn luyện chuyển loại tại chỗ. Có đồng chí chỉ cần 4 tháng đã hoàn thành công tác huấn luyện chuyển loại. Đến nay, khi công tác huấn luyện bay ngày đã thuần thục, trung đoàn đang đẩy mạnh công tác huấn luyện bay đêm.

Trung tá Phạm Tuấn Anh, Trung đoàn trưởng cho biết, quá nửa phi công của đơn vị đã được huấn luyện bay đêm. Những kinh nghiệm, bản lĩnh và tâm lý bay đêm vững vàng trên máy bay MiG-21 đã được các phi công phát huy tốt khi thực hiện những chuyến bay đêm trên Su-22. Trung đoàn cũng đã kịp thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực sau mỗi ban bay, vận dụng ngay vào những ban bay tiếp theo nên hiệu quả huấn luyện đạt được ngày càng cao. Hiện tại một số phi công của trung đoàn đã thuần thục bay đêm khí tượng giản đơn với các khoa mục kỹ thuật lái dẫn đường và ứng dụng chiến đấu, bắt đầu chuyển sang huấn luyện bay đêm trong điều kiện khí tượng phức tạp.

Ngoài những khó khăn chung trong những chuyến bay đêm như quan sát địa tiêu, sử dụng bản đồ trên không, với các phi công của Trung đoàn 921, bay huấn luyện đêm trên máy bay Su-22 còn có cái khó riêng như lựa chọn vị trí huấn luyện đánh mục tiêu mặt đất; hoạt động trên sân bay hỗn hợp với tần suất hạ cánh của hàng không dân dụng ngày càng cao… đã ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ bay, công tác chỉ huy điều hành bay. Đó là chưa kể trung đoàn chưa có giáo viên huấn luyện và chỉ huy bay đêm trong điều kiện khí tượng phức tạp. Giải quyết khó khăn này, đơn vị đã có chủ trương kết hợp hai giáo viên bay đêm khí tượng giản đơn thực hiện chung một chuyến bay để tự chuyển loại. Như vậy, số chuyến bay huấn luyện sẽ tăng, thời gian huấn luyện sẽ kéo dài hơn nhưng đó được coi là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện tại. Thượng tá Hồ Văn Lợi khẳng định: Khó khăn trước mắt còn nhiều nhưng với truyền thống của đơn vị nói riêng, Không quân nhân dân Việt Nam nói chung, đơn vị quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hải, Phi đội trưởng Phi đội 1 chia sẻ, trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm ngày chiến thắng trận đầu, anh đã được công nhận phi công cấp 3. Cũng như các phi công khác trong trung đoàn, anh luôn nỗ lực phấn đấu để làm chủ khí tài mới. Với quyết tâm đó, Trung đoàn 921 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời bình, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng là đơn vị đứng đầu trong Sư đoàn 371 về công tác huấn luyện. Truyền thống "Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể" mà lớp lớp cha anh đã xây đắp đang được Đoàn không quân Sao Đỏ hôm nay giữ vững và phát huy.

Chiến thắng của những phi công Trung đoàn 921 - Đoàn Sao Đỏ năm xưa đã tạo nên dấu ấn của Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 3-4-1965, hai biên đội của trung đoàn đã cất cánh tham gia trận đầu. Biên đội trực tiếp chiến đấu do các đồng chí Phạm Ngọc Lan (số 1) chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3), Trần Minh Phương (số 4). Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế máy bay địch do đồng chí Trần Hanh làm biên đội trưởng, Phạm Dấy bay số 2. Hai biên đội đã phối hợp, bắn rơi chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên trên bầu trời miền Bắc, "mở mặt trận trên không thắng lợi". Ngày đó đã trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống, làm chủ khí tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.