(HNM) - Hàng loạt hoạt động đã và đang tích cực được triển khai, nhằm hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội thành phố Hà Nội năm 2022 (từ ngày 17-10 đến 18-11-2022), góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân để làm rõ hơn nội dung này.
Lan tỏa thông điệp tích cực “Vì người nghèo”
- Từ năm 2000, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17-10 hằng năm là “Ngày Vì người nghèo”. Với vai trò tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai công tác này, ông có thể chia sẻ đôi điều về thành quả của Hà Nội?
- Những năm qua, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong hành trình chăm lo an sinh xã hội, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chính sách đặc thù, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giúp người dân, doanh nghiệp từng bước ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của thành phố trong năm 2021 là hơn 10.640,4 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 6.527,9 tỷ đồng.
Sự quan tâm này của thành phố đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.
- Việc triển khai vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động hỗ trợ người nghèo là hoạt động thường xuyên. Trong công tác này, Hà Nội đã triển khai thế nào, thưa ông?
- Thực hiện cuộc vận động, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan Thường trực.
Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đến đầu năm 2022, Hà Nội còn 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ 0,17% và 30.176 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,38%, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong số các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hiện nay có hơn 3.900 hộ gặp khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ để xây mới và sửa chữa, cùng với đó là nhu cầu được hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, sản xuất, tạo việc làm để có thể vươn lên thoát nghèo.
- Từ thực tiễn của Hà Nội trong công tác giảm nghèo, theo ông, đâu là những bài học kinh nghiệm?
- Có thể rút ra những kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, có thu nhập ổn định và nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thứ ba là công tác phân tích dữ liệu thông tin, phân tích cụ thể nguyên nhân nghèo để có chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ không có khả năng thoát nghèo; có cơ chế, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo nâng cao thu nhập, để trở thành hộ có mức sống khá, phấn đấu thành phố cơ bản không còn hộ nghèo. Thứ năm, tích cực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhiều giải pháp trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo”
- Cùng với các hoạt động hỗ trợ người nghèo thường xuyên, Hà Nội đang cùng cả nước tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, thưa ông?
- Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc; có thêm nguồn lực giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Hà Nội tập trung vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân chung tay ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về các giải pháp đồng bộ được thực hiện trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo”?
- Thứ nhất, Hà Nội sẽ tăng cường hoạt động của Quỹ “Vì người nghèo” bằng nhiều hình thức để phục vụ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Thứ hai, tập trung rà soát, nắm chắc số lượng, nhu cầu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...; xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể cho các đối tượng theo hướng bền vững, thiết thực. Thứ ba, vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện hoạt động hỗ trợ hộ nghèo. Cấp thành phố, vận động mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Thứ tư, gặp mặt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; biểu dương các gia đình có nhiều nỗ lực thoát nghèo tiêu biểu...
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, bằng những hành động thiết thực, cụ thể chia sẻ, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chung tay thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có cơ hội thay đổi cuộc đời và có cuộc sống tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.