Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 30/04/2019 06:31

(HNM) - Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.

Ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào bắt sống Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu


Vào thời điểm này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “Chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Ở trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Chiến thắng 30-4-1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này phải trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ. Đó là 5 giai đoạn:

1. Từ tháng 7-1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ;

2. Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ;

3. Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc;

4. Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán;

5. Từ cuối năm 1973 đến ngày 30-4-1975 là giai đoạn tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30-4 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta lại vận dụng một cách sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn.

Một là, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng chính đáng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực chủ yếu, là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp đổi mới. Trên tinh thần đó, toàn dân đoàn kết, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh, chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.

Bốn là, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy nội lực của đất nước với sự giúp đỡ, hợp tác với các nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Năm là, phát huy hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới, xung kích tiến công vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ con người, mà trước hết là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng tầm văn hóa trong cuộc sống, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hóa, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng. Thế hệ thanh niên trước đây đã đảm đương xuất sắc vai trò xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, ngày nay là lực lược xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, phát huy tri thức, kinh nghiệm quân sự, công tác tư tưởng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vào bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta hiện nay. Quốc phòng vững mạnh sẽ góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm và tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện những mục tiêu cốt lõi và chiến lược của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân nhằm khơi dậy, khích lệ, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để xây dựng đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.