(HNMO) - Chiều 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tổng số phiếu tán thành là 94,61%.
Luật Biên phòng Việt Nam gồm 6 chương, 36 điều quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, lực lượng Bộ đội Biên phòng; bảo đảm chế độ, chính sách về biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm…
Trên cơ sở ý kiến thảo luận đóng góp của đại biểu tại kỳ họp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn. Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều 5 và điều 10 với số phiếu tán thành lần lượt là 92,74%, 91,08%.
Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng Luật. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trước khi trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.