“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba”. Hằng năm, vào dịp này, “con rồng, cháu tiên” trên khắp cả nước đều thành kính hướng về nguồn cội...
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp người dân cả nước thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Vượt lên những giá trị lịch sử, tâm linh, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của người Việt. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là đường lối chiến lược, bài học lớn của cách mạng Việt Nam, được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng. Thực tiễn trong các giai đoạn kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, luôn đoàn kết chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với sự nghiệp cách mạng.
Đánh giá những thành tựu đạt được, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị các cấp và toàn dân về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc,… là đường lối chiến lược có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”. Phát huy sức mạnh nội sinh từ nguồn cội - sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất định đất nước ta sẽ phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.