Thúc đẩy việc học tập thường xuyên, học suốt đời để con người phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả…
Đó là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 290/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2025, thành phố phấn đấu: 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học thành phố được học tập, quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 40% người lớn trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” trên địa bàn các phường, các quận, huyện, thị xã được công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Trong giai đoạn này, thành phố cũng phấn đấu có 70% người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.
Giai đoạn đến năm 2030, thành phố sẽ tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học thành phố về hiệu quả việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 60% người lớn trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, 80% cán bộ, công chức, người lao động trong “Đơn vị học tập” các phường, các quận được công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện mô hình “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, xác định cụ thể lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”.
Việc thực hiện phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, linh hoạt sáng tạo, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.