Giáo dục

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”

Thống Nhất 03/11/2023 - 10:18

Mô hình “Công dân học tập” có nhiều ý nghĩa trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập và nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai.

Ngày 3-11, Hội Khuyến học Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị giao ban công tác khuyến học các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình. Dịp này, các đơn vị đã trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”.

khuyen-hoc-1.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đánh giá chung, thời điểm này, hội khuyến học của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác năm 2023.

Trong đó, Thái Bình đạt kết quả nổi bật ở công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Hà Nam tập trung đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, số lượng hội viên đạt gần 37% trong tổng số dân, là đơn vị có tỷ lệ hội viên cao nhất trong cụm. Ninh Bình có tỷ lệ hội viên trong tổng số dân đứng thứ 2 của cụm với gần 35%. Nam Định huy động được 4 tỷ đồng xây dựng quỹ khuyến học; Vĩnh Phúc đạt kết quả cao trong việc đăng ký xây dựng các mô hình học tập.

Trong khi đó, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, tăng cường vận động nhân dân tham gia hoạt động khuyến học.

Trong khuôn khổ giao ban, hội khuyến học khu vực Đồng bằng sông Hồng dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về nhân rộng các mô hình học tập, trong đó có mô hình “Công dân học tập”. Theo đó, ngày 25-10, Hội Khuyến học Việt Nam đã ban hành bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2023. Trước đó, mô hình này cũng đã được triển khai thí điểm ở các địa phương.

khuyen-hoc-2.jpg
Ý kiến phát biểu của hội khuyến học các địa phương.

Các đơn vị đều thống nhất chung sự cần thiết cũng như ý nghĩa của mô hình “Công dân học tập” trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như việc tiếp thu bộ công cụ đánh giá mô hình “Công dân học tập” còn hạn chế; sự quan tâm về công tác khuyến học ở một số nơi chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ…

Chia sẻ về nội dung này, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, đơn vị tập trung thực hiện ba giải pháp để triển khai mô hình “Công dân học tập”.

Giải pháp đầu tiên là tăng cường tập huấn cho cán bộ hội và các hội viên về kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Giải pháp tiếp theo là tổ chức các cuộc toạ đàm để trao đổi, nhân rộng những cách làm hay, đồng thời căn cứ từ bộ tiêu chí khung của mô hình “Công dân học tập” để xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với từng đơn vị, địa phương.

Giải pháp thứ ba là tổ chức làm điểm về từng nội dung (đăng ký thực hiện mô hình, triển khai phần mềm đánh giá mô hình “Công dân học tập”…) đồng thời thành lập tổ hỗ trợ đánh giá mô hình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.