(HNM) - Tính đến hết năm 2021, toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.280 điểm với khoảng 10.500 thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời, giúp người dân nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Phát huy kết quả đạt được, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND, trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.500 điểm lắp đặt thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân. Đây là việc làm thiết thực, được người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ.
Mô hình thiết thực
Thời gian qua, nhiều địa phương đã sử dụng nguồn vốn ngân sách và kêu gọi xã hội hóa để đầu tư lắp đặt các thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời. Điển hình như điểm luyện tập thể dục, thể thao tại Vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) từ nhiều năm nay là nơi lý tưởng cho người dân trong khu vực đến rèn luyện sức khỏe như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, đạp xe... Hiện tại vườn hoa có khoảng 20 thiết bị được lắp đặt chắc chắn, ở những vị trí an toàn cho người dân tập luyện.
Bà Nguyễn Khải Hoàn, người dân ở phố Phạm Đình Hổ, chia sẻ: "Tôi bị tiền đình, đau xương khớp nên thời tiết thay đổi là đau mỏi toàn thân. Từ khi Vườn hoa Pasteur được lắp đặt thiết bị luyện tập, ngày nào tôi cũng tranh thủ tập từ 30 phút đến 1 giờ nên sức khỏe cải thiện đáng kể".
Tương tự, tại Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), từ nhiều năm nay người dân xem nơi đây là “trung tâm thể dục, thể thao” ngoài trời lý tưởng để rèn luyện sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Tháp, người dân ở phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) cho biết: "Hằng ngày, tôi đến Công viên Nghĩa Đô tập thể dục bằng hệ thống thiết bị tập luyện ngoài trời. Sau 2 năm, nhờ ăn uống hợp lý và duy trì luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày tại đây, tôi đã ổn định được chỉ số tiểu đường vốn ở mức cao so với trước khi tập luyện".
Ngoài công viên, vườn hoa, tại các điểm công cộng của nhiều khu dân cư cũng được đầu tư thiết bị tập luyện sức khỏe phục vụ nhân dân. Đơn cử, sân chơi tổ dân phố số 12, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) buổi chiều hằng ngày đều thu hút hàng chục người dân đến tập luyện. Tương tự, từ năm 2020 đến nay, ở khu vực giữa tòa nhà D5 và D8 (tổ dân phố số 7, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) với diện tích 200m2, 15 thiết bị đã được lắp đặt, luôn thu hút đông đảo người dân đến luyện tập thể dục, thể thao, tạo thêm hình ảnh đẹp trong cuộc sống thường nhật nơi đây.
Tiếp tục đầu tư phục vụ nhân dân
Quan tâm duy trì, bảo dưỡng và tiếp tục đầu tư mới, đó là mục tiêu chung mà các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới. Tại quận Nam Từ Liêm, theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Lê Thị Năm, thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 17-2-2022 của UBND thành phố về xây dựng, lắp đặt các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân giai đoạn 2022-2025, quận sẽ khảo sát các địa điểm sân chơi, vườn hoa công cộng, tổ dân phố để chọn vị trí phù hợp đầu tư thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời. Quận phấn đấu đến năm 2025 "phủ sóng" điểm lắp đặt các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời tại 60% tổ dân phố, khu dân cư, khu vui chơi công cộng, và phấn đấu đạt 100% vào năm 2030. Bên cạnh đó, quận cũng dành nguồn ngân sách để bảo dưỡng thiết bị tại các điểm tập luyện.
Tương tự, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh cho hay, đến hết quý I-2022, toàn quận có 45 điểm lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời với 448 bộ dụng cụ trên tổng diện tích hơn 20.000m2. Trong giai đoạn 2022-2025, quận sẽ tập trung đầu tư 161 bộ dụng cụ thể dục, thể thao tại 7 phường. Quận sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp với tiêu chí là nơi tập trung đông người, có không gian thoáng mát, rộng rãi, thuận tiện đi lại để tiếp tục lắp đặt thiết bị luyện tập thể dục, thể thao phục vụ nhân dân.
Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, từ năm 2018, huyện đã đầu tư giai đoạn 1 các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao tại 293 điểm với gần 2.000 thiết bị ở 164 thôn, tổ dân phố bằng ngân sách của huyện và xã hội hóa. Trung bình mỗi thôn, tổ dân phố được lắp đặt ít nhất 12 thiết bị nên thu hút đông đảo người dân luyện tập. Trong giai đoạn 2 (2022-2025), từ rà soát các vườn hoa, sân chơi công cộng, huyện chọn 2 địa điểm phù hợp với yêu cầu của thành phố để đầu tư, lắp đặt thiết bị thể dục, thể thao.
Với mục đích nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống của người dân, việc đầu tư các thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời là rất cần thiết. UBND thành phố yêu cầu, sau khi lắp đặt, các thiết bị phải được bàn giao cho địa phương quản lý, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Do vậy, các địa phương cần quan tâm nâng cấp, bảo dưỡng thiết bị; đồng thời tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, lắp đặt các thiết bị luyện tập theo kế hoạch bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.